Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên là một nội dung rất cơ bản trong toàn bộ công tác quân sự của Đảng ta từ trước đến nay, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và củng cố quốc phòng – an ninh lâu dài sau này. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác dân quân tự vệ, xây dựng lực lượng dự bị động viên, thông qua việc ban hành nhiều chỉ thị, đề án để chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện việc tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, tổ chức lực lượng dự bị động viên trên cơ sở rộng khắp, vững mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Dân quân tự vệ là một trong những lực lượng nòng cốt ở địa phương
Trong đó, Đề án 129 và 130 về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên giai đoạn 2017-2020” được triển khai hiệu quả, sâu rộng. Sau 4 năm thực hiện 2 đề án, tình hình an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững; quốc phòng – an ninh được củng cố, chất lượng hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên không ngừng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ 1,03% so với dân số, trong đó đảng viên đạt 23,18%.
Lực lượng dân quân phối hợp chặt chẽ với công an, bộ đội biên phòng và các lực lượng khác tuần tra, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong 4 năm có 128.857 lượt đồng chí tham gia. Qua đó đã góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội, được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tín nhiệm, thực sự là lực lượng nòng cốt ở địa phương, cơ sở.
Đối với lực lượng dự bị động viên, qua 4 năm thực hiện đề án, các địa phương, đơn vị đã tích cực kiện toàn tổ chức biên chế, sắp xếp đủ 100% đầu mối đơn vị dự bị động viên theo chỉ tiêu; đến nay đã sắp xếp biên chế đạt 99,82%. Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị tham gia tập huấn, huấn luyện được đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định, sự tham mưu tích cực của cơ quan quân sự, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là ở cấp cơ sở) đã làm cho nhận thức trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế và công dân đối với công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên được nâng lên rõ rệt.
Ngoài việc số lượng, chất lượng, tổ chức biên chế các thành phần lực lượng dân quân tự vệ phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của tỉnh cũng như của địa phương, điểm nổi bật khác là trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị được địa phương quan tâm đầu tư, mua sắm. Các chế độ, chính sách bảo đảm được nhu cầu sinh hoạt, học tập, công tác của lực lượng, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên.
Đối với công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, đã thực hiện nề nếp các chế độ đăng ký quản lý, sắp xếp bổ nhiệm, chi trả phụ cấp trách nhiệm chỉ huy đơn vị dự bị động viên và công tác huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, kể cả giao nguồn, nhận nguồn đối với quân nhân dự bị của các đơn vị bộ đội, Quân khu 9. Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là công tác quản lý lực lượng ở một số địa phương thiếu chặt chẽ và chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Điều kiện cuộc sống gia đình của phần lớn dân quân, quân nhân dự bị khó khăn, nên số bỏ địa phương đi làm ăn xa không nhỏ (chiếm gần 10% so tổng số lực lượng). Điều này dẫn đến việc, khi cần tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, tỷ lệ đạt không cao. Mặt khác, có địa phương còn giao khoán việc thực hiện các đề án cho cơ quan quân sự, chứ chưa thật sự quan tâm sâu sát; tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ chưa đi vào chiều sâu, có nơi còn mang tính hình thức…
Cuối năm 2019, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng Dự bị động viên đã chính thức được ban hành, góp phần hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thể chế pháp luật của nhà nước về lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên, đặc biệt là thi hành, triển khai thực hiện các luật, vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương (nhất là cơ quan quân sự) ngày càng phải được thể hiện rõ.
Các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung liên quan lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; làm cho mọi tổ chức, cá nhân và nhân dân (trước hết là các cấp lãnh đạo) nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí chiến lược, nội dung cơ bản, tính cấp bách của nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.
“Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm công dân trong độ tuổi đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ; quân nhân dự bị không tập trung lệnh gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên. Cần tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng chính trị, trình độ học vấn, phẩm chất, đạo đức, thực sự là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, là công cụ chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân ở cơ sở. Thường xuyên kiểm tra nắm số lượng, chất lượng quân nhân dự bị đã xếp vào các đơn vị dự bị động viên, duy trì chế độ sinh hoạt theo quy định…” – ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.