Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục hút tiền giúp đà tăng của VN-Index trở nên đáng tin cậy hơn.
Phiên giao dịch 22.9, tâm lý thận trọng xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ đầu phiên do tác động từ chứng khoán Mỹ. Cụ thể, chỉ số S&P 500 biến động mạnh trong phiên 21.9 với những lo ngại về sự bùng phát trở lại của COVID-19 tại châu Âu, bên cạnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, áp lực bán gia tăng ngay từ lúc mở cửa, VN-Index giảm điểm và thiết lập mức đáy trong ngày quanh ngưỡng 902,47 điểm. Tuy nhiên lực mua ở vùng giá thấp đã nhanh chóng đưa chỉ số hồi phục và quay trở lại ngưỡng tham chiếu vào cuối giờ sáng.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn ưu tiên bảo toàn lợi nhuận sau 2 phiên tăng tốt trước đó nên chỉ số đại diện sàn HOSE (VN-Index) đóng cửa vẫn giảm nhẹ 0,19% về 906,19 điểm. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về nhóm giảm giá, với 194 mã cổ phiếu trong khi đó chỉ có 115 cổ phiếu đóng cửa tăng giá.
Tích cực hơn, nhóm vốn hóa lớn tiếp tục thu hút dòng tiền giúp VN30-Index giữ vững sắc xanh khi chỉ số tăng nhẹ 0,14% đạt 852,72 điểm. Mặc dù trạng thái của rổ VN30 tương đối cân bằng khi có 15 mã giảm giá so với 13 cổ phiếu tăng điểm, tuy nhiên nỗ lực của STB hỗ trợ nhiều nhất cho trạng thái đi lên của chỉ số. STB tăng trần với khối lượng đột biến (45,7 triệu đơn vị), tăng 156% so với phiên gần nhất.
Cùng chung trạng thái với nhóm VN30, VNMidcap-Index tăng 0,2% lúc đóng cửa với đóng góp chính đến từ các cổ phiếu GEX, PDR, HPX, TPB, HSG, biên độ tăng từ 0,8% đến 3,4%. Trong khi đó, mặc dù VNSmallcap-Index giảm nhẹ 0,38%, tuy nhiên rổ vốn hóa nhỏ vẫn chứng kiến nhiều cổ phiếu giao dịch ấn tượng, bao gồm FMC (6,7%), SRC (6,4%), PET (3,2%),…
Thanh khoản trên thị trường có phần giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 6.120 tỉ đồng, giảm nhẹ 1,7% so với phiên giao dịch trước đó.
So với phiên giao dịch trước đó, biên độ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có phần thu hẹp ở cả chiều mua và chiều bán. Tổng kết phiên, khối này vẫn duy trì trạng thái mua ròng trên HOSE, quy mô đạt hơn 82,2 tỉ đồng. Trong đó, SSI, VNM và chứng chỉ quỹ ETF là FUEVFVND là 3 mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research, trước áp lực từ phiên giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên 21.9, tâm lý nhà đầu tư cho thấy sự ổn định khi dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nâng đỡ chỉ số VN30 tăng điểm trở lại vào cuối phiên giao dịch 22.9.
Qua đó, thị trường chung chỉ điều chỉnh giảm nhẹ và VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 900 – 906 điểm sau khi vượt qua vùng này vào phiên giao dịch đầu tuần. “Với phiên thứ hai liên tiếp đóng cửa trên vùng 906-900 điểm, chỉ số VN-Index đang cho thấy sự xác nhận về việc phá vỡ hoàn toàn vùng này để tiếp tục đi lên trong thời gian tới với mục tiêu là vùng kháng cự mạnh tiếp theo nằm tại 940 – 946 điểm”, SSI Research nhận định.
Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chỉ số VN-Index diễn biến giằng co và hình thành mẫu nến Spinning trong phiên 22.9. Với việc nhận được phản ứng hỗ trợ tại vùng đỉnh cũ, KBSV nghiêng về khả năng sẽ mở rộng xu hướng tăng của chỉ số với đích kì vọng 920 – 925 điểm mặc dù rung lắc mạnh có thể diễn ra khi chỉ số động lượng RSI đang ở gần vùng quá mua. Trong bối cảnh này, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và có thể chốt lời 1 phần trong trường hợp chỉ số tiến lên vùng đích kì vọng.