Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) mới đây vừa đưa ra cảnh báo khẩn pate Minh Chay chứa độc tố mạnh của vi khuẩn Clostridium botulinum, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và dẫn đến tử vong. Thông tin này khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng, vậy vi khuẩn này xuất phát từ đâu và nguy hại như thế nào nếu sử dụng lâu dài?
Người tiêu dùng lo lắng
Thông tin bộ Y tế cảnh báo khẩn pate Minh Chay của công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) có chứa độc tố mạnh, người tiêu dùng tạm thời không sử dụng sản phẩm của công ty này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng.
Pate là một món ăn được nhiều người yêu thích, chính vì vậy khi xuất hiện thông tin nêu trên, trên khắp các diễn đàn nội trợ, rất đông người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng của mình.
Chị Ngọc Hà (Hà Nội) bày tỏ: “Các con tôi rất thích pate, tôi đã đặt mua pate này một lần rồi, thấy cũng ngon nhưng vì sợ mua đồ hộp nên tôi đã tạm dừng mua. Giờ thì thấy xuất hiện thông tin như vậy, tôi rất lo lắng không biết liệu sức khỏe của cả gia đình có làm sao hay không”.
Trong khi đó, Trà My (Hà Nội) bức xúc: “Thật không thể tưởng tượng nổi, sản phẩm được lưu hành rộng rãi trên thị trường mà chứa độc tố. Đã bao nhiêu người ăn phải thứ độc tố đó rồi, người tiêu dùng ảnh hưởng sức khỏe thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đây?”.
Rùng mình trước thông tin pate Minh Chay chứa độc tố, chị Đặng Thị Mai (Hà Nội) dặn lòng: “Giờ không biết đâu là món ăn an toàn nữa, thôi thì tự làm tự ăn sẽ đảm bảo vệ sinh hơn. Tôi cũng quán triệt cả nhà là không có mua đồ hộp làm sẵn nữa, như vậy mình không biết quy trình sản xuất như thế nào, ăn vào có khi còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe mà lại chẳng biết kêu ai”.
Vi khuẩn hay có ở… bùn đất
Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Vi khuẩn này nhiều năm qua không gặp, bây giờ mới lại rộ lên. Vi khuẩn nêu trên thường có ở những nơi bẩn, ẩm thấp, bùn đất… cũng phát tán trong môi trường ẩm thấp. Nên khi chế biến pate, có thể nguồn nguyên liệu bị nhiễm trùng, xử lý không sạch sẽ, mổ ở những lò mổ không đạt chuẩn, rửa dùng những nước bẩn thỉu… thì hoàn toàn có thể có vi khuẩn lẫn vào và gây ra độc tố”.
Trong khi đó, bác sĩ Ngô Việt Hùng (chuyên gia độc lập về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng) cho biết thêm: “Chlostridium botulinum (CB) là một vi khuẩn kỵ khí gây bệnh bằng độc tố gồm 8 chủng A, B alpha, B beta, C,D,E, F và G. Loại A, B, E và đôi khi F là những loại gây bệnh cho người. Vi khuẩn này có mặt trên khắp thế giới, tồn tại dưới dạng bào tử trong đất và trầm tích biển.
Khi gặp môi trường thuận lợi các bào tử phát triển thành vi khuẩn và tiết ra ngoại độc tố. Độc tố của CB được cho là loại độc nhất mà con người biết được. Độc tố này có nhiều ứng dụng trong đời sống, nhưng cũng là một yếu tố của khủng bố sinh học và vũ khí sinh học được các khoa học gia chiến tranh rất quan tâm”.
Nói về bệnh lý do CB gây ra, bác sĩ Hùng cho hay: “Bệnh lý do CB là một rối loạn thần kinh cấp tính gây ra chứng tê liệt thần kinh có thể đe dọa tính mạng do một chất độc thần kinh. Chất độc liên kết không thể đảo ngược với màng trước synap của các điểm nối thần kinh cơ và thần kinh tự động ngoại vi. Độc tố này ngăn chặn giải phóng acetylcholine (một chất dẫn truyền thần kinh), dẫn đến suy nhược, tê liệt và thường là ngừng hô hấp. Bệnh có thể tự khỏi khi các mạt đoạn thần kinh được tái tạo”.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh do CB có tên kinh điển là “Ngộ độc thịt” (Botilism) gồm 3 thể lâm sàng chính:
“Thứ nhất, ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (IB): Bào tử của vi khuẩn nhân lên ở trong ruột và tiết ra độc tố. Những bào tử này thường đến từ mật ong hoặc môi trường. Hầu hết trẻ sơ sinh hồi phục hoàn toàn với điều trị hỗ trợ; tỉ lệ tử vong do trẻ sơ sinh là dưới 1%.
Thứ hai, bệnh ngộ độc do thực phẩm (FB): Thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến tại nhà không đúng cách là những nguồn phổ biến của độc tố có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Tỉ lệ tử vong tới 10%.
Thứ ba, bệnh nhiễm độc vết thương là do vết thương bị nhiễm độc tố của CB. Tử vong tới 17%. Thể này là thể duy nhất có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh”.
Từ những phân tích nêu trên, bác sĩ Hùng cũng đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn các thực phẩm đóng hộp cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình.
Cục An toàn thực phẩm thông báo khẩn
Trước đó, ngày 29/8, cục An toàn thực phẩm cho hay, từ ngày 13/7 đến 18/8 đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…Cụ thể, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị tại 2 ca, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đang điều trị 5 ca và bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị 2 ca. Qua điều tra, cục An toàn thực phẩm ghi nhận các bệnh nhân đều sử dụng pate Minh Chay của công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), được kinh doanh trực tiếp qua mạng (trang điện tử: pate.1001monchay.com và minhchay.com).
Trước tình trạng trên, Cục ATTP thông báo khẩn:
1, Người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới. Thông báo cho y tế địa phương nếu còn các sản phẩm Pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi.
2, Người tiêu dùng đã sử dụng những sản phẩm nói trên nếu có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi sức khỏe.
Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện
Thông tin từ bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện tiếp nhận và đang điều trị cho các bệnh nhân có liên quan đến việc sử dụng pate Minh Chay. Chi tiết về sức khỏe của các ca bệnh sẽ được bệnh viện cập nhật sau.