Lạc quan về sức hồi phục của kinh tế Trung Quốc giúp chứng khoán giữ sắc xanh chủ đạo trong phiên giao dịch đầu tuần 28/9
Các thị trường chứng khoán ở châu Á được tiếp thêm sức khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát đi những tín hiệu phục hồi còn các gói kích thích tài khóa và xuất khẩu đã giúp cứu vãn tâm lý của nhà đầu tư.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) hôm nay tăng 0,7% lên 551,48 điểm, nhưng giữ khoảng cách khá xa so với mức thấp nhất trong 2 tháng qua 543,66. Chỉ số này được dự báo sẽ kết thúc tháng 9 ngập trong sắc đỏ do đại dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá nền kinh tế thế giới, khiến nhà đầu tư lo ngại về những đợt định giá cổ phiếu sắp tới.
Các nhà giao dịch ở châu Á tỏ ra khá thận trọng trước cuộc tranh luận giữa các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 29/9, bên cạnh mối lo dịch Covid-19 tái phát ở châu Âu có thể kìm hãm sức hồi phục của kinh tế thế giới.
Chứng khoán Trung Quốc hôm nay khởi động tuần giao dịch với sắc xanh, tạo đà cho chứng khoán khu vực đi lên sau những đợt tăng điểm bập bõm lúc mở phiên. Chỉ số bluechip CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc hôm nay chốt phiên tăng 0,3%. Tâm lý căng thẳng của nhà đầu tư châu Á phần nào được xoa dịu khi số liệu cuối tuần cho thấy lợi nhuận của các công ty sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 đạt tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp, một phần nhờ sự phục hồi của giá hàng hóa và ngành sản xuất thiết bị.
Các chỉ số kinh tế trong tháng 8 cũng cho thấy hoạt động xuất khẩu, chi phí sản xuất và sản lượng các nhà máy ở Trung Quốc đều tiếp tục tăng nhờ một loạt biện pháp kích hoạt nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Giới phân tích đánh giá đây là những tín hiệu tích cực giúp kích thích sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Kinh tế các nước cùng nỗi lo Covid
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đạt mức tăng 1,3% một phần do đồng yên trượt giá, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng mạnh hơn với 1,35%. Trái lại, chứng khoán Australia hôm nay vật lộn cắt lỗ và kết thúc phiên trượt 0,21% về 5.952,30 điểm.
Thị trường châu Á có sắc xanh phủ rộng nhờ đà tăng của chứng khoán Phố Wall trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ vọng đà tăng điểm của chứng khoán Mỹ sẽ chỉ duy trì trong thời gian ngắn khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu chững lại.
Thế giới đến nay ghi nhận gần 33 triệu người mắc Covid-19 và 992.470 ca tử vong vì virus này. Mối lo thực sự với giới đầu tư hiện giờ vẫn là dịch Covid-19 khi châu Âu gần đây ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến. Nhà đầu tư e ngại các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh mà giới chức châu Âu tái áp dụng sẽ dồn áp lực lớn lên những doanh nghiệp đang ngắc ngoải vì thua lỗ.
Kerry Craig, chuyên gia về thị trường toàn cầu từ Quỹ quản lý tài sản JP Morgan, đánh giá: “Những đám mây đã bắt đầu tụ lại ở các nước phát triển khi bất ổn chính trị ở Mỹ gia tăng còn châu Âu gồng mình chống dịch”.
“Các chính phủ không thích thú với việc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, nhưng việc hạn chế theo khu vực và địa phương vẫn có thể diễn ra trong một thời gian và vẫn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế”, Kerry Craig nói thêm.
Mối lo nữa của giới đầu tư là cuộc đấu khẩu đầu tiên giữa ứng viên đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump, và Joe Biden, đối thủ từ đảng Dân chủ vào ngày 29/9 trước khi đi đến cuộc bầu cử trong tháng 11.
Nếu Biden – ứng viên đang dẫn ông Trump với tỷ lệ ủng hộ không quá cách biệt trong các cuộc thăm dò – phô diễn được sức mạnh trong cuộc tranh luận với đối thủ, có thể đẩy cổ phiếu thương mại và năng lượng tái tạo toàn cầu tăng cao, còn ngược lại, nếu Trump chiếm ưu thế trong cuộc đấu khẩu, cổ phiếu của các công ty quốc phòng và nhiên liệu hóa thạch sẽ hưởng lợi.
Thị trường chứng khoán cũng trông đợi gói kích thích tài khóa mới ở Mỹ, bên cạnh diễn biến đàm phán thương mại giữa Anh và châu Âu hậu Brexit khi hai bên sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau trong tuần này.
Thị trường tiền tệ hôm nay ghi nhận đồng đô la Mỹ trượt sâu nhất gần 2 tuần qua so với đồng yên Nhật Bản khi giao dịch 105,32 JPY đổi 1 USD. Đồng euro kết thúc ngày giao dịch với 1 EUR đổi 1,1629 USD, không xa so với mức đáy 2 tháng qua là 1 EUR/1,1611 đô la thiết lập cuối tuần trước, còn bảng Anh tăng giá 0,3% lên 1 GBP “ăn” 1,2774 USD.
Trong khi đó, đô la Australia có phản ứng ổn định hơn và giao dịch quanh mức 1 AUD/0,7052 USD, sau 6 phiên trượt giá liên tiếp khi triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước bị thu hẹp.
Giá dầu hôm nay chịu áp lực lớn trước động thái hạn chế di chuyển ở nhiều quốc gia nhằm ngăn dịch Covid-19 tái phát. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 37 cent xuống 41,55 USD/thùng, còn dầu thô nhẹ của Mỹ trượt 39 cent về 39,86 USD/thùng.
Trôi xa khỏi đỉnh lịch sử trên 2.000 USD/ounce được thiết lập trong tháng 8, gía vàng hôm nay trượt về mức 1.858,2 USD/ounce.