Đề án tuyển sinh của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2020 đã được công bố với việc nhiều trường mở thêm ngành học mới. Tuy nhiên, với một số ngành học khó tuyển sinh hoặc nhu cầu nhân lực thị trường cần rất ít, câu hỏi đặt ra là cần tiếp tục duy trì ra sao?
Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn đặt ra đối với tất cả các trường ngay từ đề án tuyển sinh với yêu cầu bảo đảm chất lượng đầu vào, sau đó là quá trình giảng dạy, đào tạo sinh viên cần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng như nhà tuyển dụng.
Đơn cử như ngành sư phạm, hệ trung cấp sư phạm chính thức chấm dứt tuyển sinh từ năm 2020 do quy định đối với giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên (theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).
Với hệ CĐ, Bộ chỉ còn cho tuyển sinh ngành sư phạm mầm non. Các khối ngành sức khỏe hay sư phạm vài năm trở lại đây đã quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các phương thức xét tuyển khác nhau nhằm một mục tiêu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
Đối với các ngành học khác, quy chế tuyển sinh 2020 quy định tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức, loại hình đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT. Đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án. Việc tuyển sinh của các trường được thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố, phù hợp với quy định hiện hành.
Đề án tuyển sinh của trường phải bảo đảm một số yêu cầu, trong đó phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh và các điều kiện bảo đảm chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so năm tuyển sinh).
Căn cứ vào tỷ lệ sinh viên có việc làm này, người học và xã hội hoàn toàn có thể định hướng được nhu cầu nhân lực mà xã hội đang cần ở thời điểm này để quyết định có đăng ký theo đuổi ngành học này hay không. Tuy nhiên, sau 4-5 năm nữa, liệu “bảng dự báo” này có thay đổi gì hay không? Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Vừa qua, cử tri tỉnh Long An đề nghị Bộ GDĐT, Bộ LĐTB&XH rà soát, dự báo nhu cầu lao động của nước ta nhằm định hướng cho các trường ĐH trong việc tổ chức tuyển sinh.
Nếu ngành nào đã đáp ứng đủ nhu cầu thì không tổ chức tuyển sinh, phân luồng cho học sinh vào học nghề nhằm tránh tình trạng mất cân đối cung cầu nguồn lao động như hiện nay.
Đây là mong muốn thực tế của không chỉ người học và gia đình mà cả xã hội để tránh lãng phí nguồn nhân lực, tiền bạc, công sức, thời gian với việc sinh viên học xong thất nghiệp hoặc làm trái ngành, trái nghề, thậm chí làm các công việc có trình độ dưới mức đã được đào tạo.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết: Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam (quý IV/2019) do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTB&XH: “Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp… Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,15%, thấp hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước”. Riêng đối với trình độ ĐH, “tỷ lệ thất nghiệp là 3,2%”.
Về trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc góp phần giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, trong những năm qua, Bô GDĐT đã và đang triển khai nhiều hoạt động. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở để xã hội tham khảo và tham gia giám sát khi chọn trường, chọn ngành cho con em theo học. Kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh đối với những ngành có biểu hiện dư thừa nhân lực.