Theo đánh giá của các chuyên gia, đề án ‘Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu’ sẽ tiết giảm chi phí, thời gian, công sức; thông qua đó nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt; giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vững vàng hội nhập.
Thống nhất đầu mối kiểm tra, phối hợp hiệu quả hơn giữa các đơn vị
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, cùng với những thành tựu đạt được trong công cuộc cải cách hành chính, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu cũng có những chuyển biến tích cực. Song, để công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đạt được bước đột phá toàn diện, thực chất và đáp ứng hiệu quả nhu cầu của hội nhập, đạt chuẩn chất lượng quốc tế, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm tiết giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; đồng thời phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với đề án cải cách này, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa do nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra hồ sơ và thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm để thông quan.
Đồng thời, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro tích hợp trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, công khai, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.
Như vậy, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực vẫn thực hiện vai trò quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm như hiện nay, chỉ chuyển chức năng kiểm tra tại cửa khẩu cho cơ quan hải quan. Hơn nữa, việc áp dụng đề án sẽ đòi hỏi các bộ, ngành tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin với cơ quan hải qua; tổ chức lại các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng của hàng hóa nhập khẩu trong quá trình sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước.
Đồng thời, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương phải hỗ trợ đào tạo cán bộ hải quan đảm bảo năng lực thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thẩm định, công nhận các đơn vị kiểm định hải quan của cơ quan hải quan là tổ chức đánh giá sự phù hợp/tổ chức giám định, kiểm nghiệm được chỉ định để thực hiện chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa nhập khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, việc thống nhất đầu mối kiểm tra chuyên ngành với việc thực hiện thủ tục hải quan là xu hướng quốc tế, vừa nâng cao chất lượng công việc vừa gia tăng sự phối hợp nhịp nhàng cũng như phân định rõ trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan quản lý.
“Đặc biệt khi thống nhất vào một đầu mối, cắt giảm thủ tục hành chính… sẽ tiết kiệm ngân sách, nhân lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm” – ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá.
Gỡ bỏ gánh nặng cho doanh nghiệp
Một trong những nội dung quan trọng đề án đưa ra là đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, cắt giảm rất nhiều bước thủ tục so với quy trình hiện tại. Đơn cử, đối với hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy sẽ cắt giảm được 2/6 bước so với quy trình hiện tại khi các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện kiểm tra chất lượng. Còn đối với hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy sẽ cắt giảm được 3/10 bước thủ tục so với quy trình hiện tại.
Bên cạnh đó cũng đơn giản hóa thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm: Đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra thông thường cắt giảm được 2/5 bước so với quy trình hiện tại. Riêng đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chặt, tuy không cắt giảm được số bước thủ tục so với quy trình hiện tại song thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được đơn giản hóa do nguồn thông tin, mức độ tuân thủ pháp luật của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối; giúp doanh nghiệp chủ động, lựa chọn quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình.
Ngoài ra, một trong những nội dung cải cách của đề án là áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường; từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm theo mặt hàng để giảm tối đa lô hàng cần phải kiểm tra.
Mặt khác, đề án áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu: Hệ thống tự động quyết định phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra, các trường hợp miễn kiểm tra; cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm…
Như vậy, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu…
”Với đề án này, doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn bởi giảm được gánh nặng về chi phí thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn chồng chất. Bên cạnh đó, việc giảm được đáng kể thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu cũng sẽ tạo ra những cơ hội nắm bắt thị trường cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” – ông Tô Hoài Nam đánh giá./.