Triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh, ghi nhận tại các bệnh viện tuyến tỉnh đã có nhiều thay đổi. Hiệu quả tích cực mang lại là người dân được hưởng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh ngay tại địa phương.
Những ưu việt
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, khi triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh, người dân phân khởi vì được trải nghiệm khám và điều trị bệnh bằng các kỹ thuật tiên tiến. Mới đây các bác sĩ tại viện đã triển khai ứng dụng công nghệ Plasma trong điều trị cắt Amidan và nạo VA.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai là bệnh viện đầu tiên và duy nhất trong toàn tỉnh triển khai công nghệ Plasma trong điều trị cắt Amidan và nạo VA. Plasma là kỹ thuật sử dụng dao mổ đặc biệt với nguồn nhiệt thấp để loại bỏ toàn bộ tổ chức viêm Amidan hoặc VA quá phát. Công nghệ Plasma được đánh giá là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay bởi những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại.
Theo BSCK I. Đỗ Đình Quy Nhơn: Nếu như phương pháp truyền thống sử dụng dao điện cắt Amidan, nạo VA gây nên những tổn thương sâu, rộng do nhiệt độ rất cao (250 – 350 độ C) hoặc gây đau, chảy máu nhiều, tổn thương các nhánh thần kinh và mạch máu dày đặc ở vùng cổ, mất nhiều thời gian phẫu thuật thì việc áp dụng kỹ thuật Plasma bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại, nhiệt độ phù hợp (40-70 độ C) với lưỡi dao mỏng, thiết kế dẹt giúp các bác sĩ cắt, đốt nhanh hơn, an toàn, ít chảy máu, ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật được rút ngắn tối đa còn 30 – 45 phút.
Không chỉ vậy, lưỡi dao có thể linh hoạt thay đổi được hình dạng và góc độ giúp các bác sĩ thao tác dễ dàng hơn trong phẫu trường hẹp. Đồng thời, các bác sĩ có thể đưa dao plasma tới những nơi xa và khó nhất, giúp lấy bỏ toàn bộ tổ chức viêm mạn tính quá phát.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn nhẹ mà không cần kiêng khem, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh, chỉ sau vài ngày có thể sinh hoạt trở lại như bình thường.
Bé N.M.A, 7 tuổi bị viêm amidan mạn tính, có tiền sử tái phát nhiều lần trong năm, là bệnh nhân vừa được phẫu thuật cắt Amidan thành công bằng phương pháp Plasma do các bác sỹ khoa Tai mũi họng thực hiện.
Sau khi trải nghiệm dịch vụ, gia đình bệnh nhân cho biết: “Thời gian phẫu thuật khá nhanh, chỉ khoảng 30 phút là con tôi được đưa ra phòng mổ. Không những thế, ngay sau khi cắt amidan bằng công nghệ plasma con có thể ăn uống nhẹ được rồi và cũng chỉ vài ngày sau là trở lại sinh hoạt bình thường. Nhìn sự cải thiện trong sức khỏe và tinh thần của cháu tôi hiểu rằng con tôi đã được điều trị bằng phương pháp tốt nhất với dịch vụ tốt nhất”.
Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện hạt nhân của Dự án NORRED (2014-2020) chịu trách nhiệm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về chuyên ngành Tim mạch cho các bênh viện thụ hưởng thuộc các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình.
Đến tháng 5/2020, Bệnh viện Tim Hà Nội đã hoàn thiện đào tạo và chuyển giao kỹ thuật phase 1,2,3 cho 13 gói kỹ thuật chuyên sâu như Tim mạch can thiệp (dành cho bác sĩ, kỹ thuật viên); Điện tâm đồ cơ bản; Cấp cứu tim mạch; Siêu âm Doppler tim cơ bản; Siêu âm tim qua thực quản; Siêu âm tim bẩm sinh; Điều dưỡng nội khoa tim mạch, Holter HA, ĐTĐ; Đặt máy tạo nhịp tạm thời, Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn… với 236 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến từ 46 đơn vị y tế thuộc các tỉnh trong Dự án NORRED
Với lượng bệnh nhân lớn bao gồm tất cả các bệnh lý về Tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội, học viên các khóa đào tạo được hưởng những lợi ích tốt nhất như: Được đào tạo theo chương trình được Bộ Y tế, Dự án phê duyêt; Được cung cấp tài liệu học tập miễn phí; các giảng viên – bác sĩ của bệnh viện nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật; được tham gia các buổi sinh hoạt khoa học hàng tuần tại bệnh viện… Kết quả đánh giá tại các phase 1, 2, 3 đã cho thấy tất cả học viên đều hoàn thành chương trình đào tạo và thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tại cơ sở.
Phải khắc phục hạn chế
Bên cạnh những mặt ưu việt trong khám chữa bệnh, việc triển khai dự án Bệnh viện vệ tinh cũng có những khó khăn. Trao đổi tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã chia sẻ: Khó khăn đối với Bệnh viện hạt nhân khi thực hiện đề án đó là: Nhiều dự án, đề án cùng triển khai một thời điểm nên sẽ ảnh hưởng tới việc tổ chức, lập kế hoạch thực hiện. Cơ chế tài chính dành cho hoạt động đào tạo chuyển giao kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật các bệnh viện vệ tinh thay đổi dẫn tới khó khăn cho việc lập và triển khai kế hoạch không đúng với lộ trình. Khó khăn đối với các bệnh viện vệ tinh đó là việc bố trị các cán bộ đi tiếp nhận các gói kỹ thuật.
Chỉ ra những khó khăn đối với các Bệnh viện vệ tinh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Hiện vẫn có các bệnh viện vệ tinh chưa có máy xạ trị nên việc đào tạo trị xạ phải lồng ghép với các bệnh viện đã có máy. Cán bộ cử tham gia học về trị xạ nhưng sau khi học xong không được thực hành ngay, hoặc bị bố trí làm công việc khác. Trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị ung bướu tại các bệnh viện vệ tinh không đồng bộ và thiếu….
Đại diện lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết: Trong quá trình thực hiện Đề án, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải về bệnh nhân. Giảng viên vừa thực hiện công tác khám chữa bệnh, vừa tham gia giảng dạy nên khó khăn trong vấn đề điều phối.
Cán bộ hướng dẫn thực hiện công tác KCB theo ca kíp nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc theo dõi học viên trong suốt khóa học và chuyển giao kỹ thuật. Đối với các bệnh viện vệ tinh, một số bệnh viện đang trong quá trình cải tạo, xây dựng nên khó khăn trong việc tiếp nhận và triển giao các kỹ thuật chuyên sâu; Mặt khác về nhân lực, khi cử cán bộ tham gia các khóa học đặc biệt dài ngày, tham vọng đào tạo nhiều trong khi nguồn nhân lực mỏng…