Ba trục động lực quan trọng nhất của TP Thủ Đức là trung tâm tài chính Thủ Thiêm, làng đại học và Khu công nghệ cao.
LTS: Đề án thành lập TP Thủ Đức với sự hợp nhất ba quận 2, 9, Thủ Đức trở thành khu đô thị sáng tạo phía đông của TP.HCM đang được dư luận đặc biệt quan tâm. TP này có gì đặc biệt? Hình hài ra sao?
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP.HCM. từng là phó giám đốc Sở QH-KT với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông kiên nói về TP Thủ Đức dưới góc nhìn của một chuyên gia quy hoạch đô thị.
Ông Trương Trung Kiên cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức là động lực để TP.HCM phát huy đúng tiềm năng, lợi thế của khu vực phía đông TP và lan tỏa ra các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vùng động lực phát triển mới của TP.HCM
. Phóng viên: Những hình dung cơ bản nhất về TP Thủ Đức là như thế nào, thưa ông?
+ Ông Trương Trung Kiên: TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại ba quận ở phía đông TP gồm quận 2, 9, Thủ Đức. Theo đó, TP mới sẽ có diện tích hơn 211 km2, dân số hơn 1 triệu người, bằng 10% diện tích và 10% dân số của toàn TP. Với quy mô diện tích và dân số như thế là phù hợp với quy mô của một TP, tương đương đô thị loại 1.
Việc sắp xếp lại các quận này dựa trên tiềm năng, lợi thế chung của cả ba quận.
Cụ thể, đây là các quận nằm ở khu vực phía đông TP có nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn như ba quận đều có địa hình thấp, nằm một bên sông Sài Gòn. Về điều kiện kinh tế – xã hội, ba quận cũng có hình thái đô thị tương đối giống nhau, đều là đô thị mới sau này xen lẫn đô thị cũ (nhưng không nhiều). Điều kiện về hạ tầng cũng có nhiều trục giao thông lớn của TP như tuyến metro, đều giáp với trục giao thông huyết mạch từ trước đến nay là quốc lộ 1.
Đây cũng là hướng phát triển mạnh của TP.HCM, kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương dọc theo trục Quốc lộ 1.
. TP Thủ Đức được xác định sẽ là một vùng động lực phát triển mới của TP.HCM. Vậy đó là những động lực nào, thưa ông?
+ Gọi là vùng động lực phát triển mới bởi khu vực này đáp ứng đầy đủ các yếu tố để phát triển thành một khu đô thị đặc thù đầu tiên của TP.HCM. Đó là đô thị sáng tạo, tương tác cao. Ngoài các yếu tố tương đồng như đã phân tích ở trên, khu vực này là nơi tập trung ba trục động lực lớn nhất, nổi bật nhất và quan trọng nhất để tạo nên TP Thủ Đức, với mục tiêu là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, có tính tương tác cao.
Động lực đầu tiên là khu đô thị Thủ Thiêm tại quận 2, TP đang có đề án xây dựng nơi đây thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây sẽ là trục động lực về kinh tế – tài chính đặc biệt quan trọng.
Thứ hai là trục động lực về khoa học công nghệ, chính là Khu công nghệ cao tại quận 9 – sẽ là nơi cung cấp các sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao, nơi ươm mầm khởi nghiệp; đồng thời thu hút rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc và sinh sống.
Thứ ba là trục động lực về giáo dục đào tạo với cụm ĐH Quốc gia và hàng loạt trường đại học tại TP.HCM, tập trung tại làng đại học Thủ Đức. Nơi đây sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Ba trục động lực này có sự tương tác, hỗ trợ qua lại lẫn nhau và rất khớp nhau. Trong khi khu đô thị Thủ Thiêm tập trung nguồn lực tài chính thì làng đại học sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho Khu công nghệ cao. Những sản phẩm công nghệ quay lại phục vụ cho sự phát triển của TP…
Thành phố trong thành phố
. Vậy TP Thủ Đức sẽ đặt trong những mối quan hệ nào với TP.HCM?
+ Về mặt hành chính thì đây là một đô thị trong lòng đô thị. Xét về mặt quy hoạch thì nó là một phần không thể tách rời của TP.HCM. Hay nói cách khác, TP Thủ Đức không phải là đô thị độc lập. Nếu nhìn ở góc độ quy hoạch chung của TP thì đây là một phân khu rất đặc biệt của TP.HCM. Việc hình thành TP Thủ Đức cũng rất phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP mà hiện nay TP đang làm. Phải hiểu rõ đây không phải là quy hoạch cho một TP hoàn toàn mới mà là quy hoạch một phân khu của TP.HCM, là TP trong TP.
. Trước đây, TP.HCM cũng từng quy hoạch một số khu đô thị mới gồm: Khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị Nam TP, Tây Bắc Củ Chi và Khu đô thị cảng Hiệp Phước với nhiều mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, vài chục năm nay, vẫn chưa có khu đô thị nào đi vào hoạt động một cách hoàn chỉnh và đồng bộ. Thậm chí, một vài khu đô thị còn chưa có gì. Vậy làm sao để khu đô thị sáng tạo phía đông TP không lặp lại những câu chuyện này?
+ Như tôi nói ở trên, TP Thủ Đức định hướng là khu đô thị sáng tạo, là một phân khu đặc biệt của TP và phù hợp với hướng tiếp cận của quy hoạch hiện đại. Khi được phân khu đúng và quy hoạch phù hợp thì sẽ phát huy được thế mạnh đặc trưng, thậm chí còn tạo ra nét đặc trưng của khu vực đó nữa. Tại sao các TP người ta có đặc trưng này, đặc trưng kia nhưng mình không tìm thấy điều đó. Vì trước đây mình quy hoạch theo kiểu dàn đều ra, mỗi khu vực có những đặc trưng riêng nhưng mình quy hoạch y như nhau.
Khu đô thị sáng tạo phía đông thứ nhất là phù hợp với khoa học và thực tiễn, thứ hai là phù hợp với pháp lý. Theo tôi, đây là một phân khu rất đặc biệt bên cạnh phân khu trung tâm 930 ha, vùng lõi của trung tâm TP. Sau này, TP sẽ có nhiều phân khu nữa tùy theo đặc trưng của mỗi khu. Cái quan trọng nhất là về động lực phát triển đô thị. Vì đô thị mà không có động lực thì sẽ không phát triển được.
77 tỉ USD là giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM (quận 9) từ năm 2010 đến 2020. Khu này cũng đã đã thu hút đầu tư trên 7 tỉ USD, trong đó có nhiều dự án như Intel (Mỹ) với số vốn trên 1 tỉ USD, Samsung (Hàn Quốc) 2 tỉ USD, Nidec (Nhật Bản) 296 triệu USD…
Công nghệ – chìa khóa tạo ra sự tương tác thông minh
. TP Thủ Đức sẽ là một đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía đông. Tính tương tác cao ở đây hiểu như thế nào, thưa ông?
+ Việc hình thành khu đô thị sáng tạo phía đông còn là một bước đi rất dài. Đây sẽ là khu đô thị đặc thù của TP, có tác dụng lan tỏa rất trực tiếp, sẽ phát huy được vai trò là lõi động lực cho hướng đô thị thông minh, công nghệ cao không chỉ với TP.HCM mà còn với các vùng lân cận.
Xuyên suốt của đề án là TP mong muốn khi hình thành khu đô thị sáng tạo sẽ là một đô thị có sự tương tác cao. Đó là sự tương tác giữa con người với công nghệ, con người với con người. Đặc biệt là sự tương tác giữa chính quyền và người dân thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh.
Qua đó, TP kỳ vọng góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế. Từ khâu sáng tạo trí thức mới, đào tạo nhân lực, thí nghiệm các ý tưởng mới, cung cấp giải pháp và sản phẩm đến thương mại hóa giải pháp và sản phẩm chất lượng cao. Với sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
. Việc hợp nhất ba quận lại làm một chắc chắn sẽ tạo ra sự xáo trộn rất lớn đến đời sống người dân. Hẳn đây sẽ là một khó khăn không nhỏ phải không, thưa ông?
+ Cũng nên nhìn ở góc độ lạc quan hơn vì TP cũng đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp cải cách hành chính. Bước phát triển khu đô thị phía đông cũng đồng hành với cải cách đó. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán mà TP phải đặt ra, các đơn vị tư vấn phải tính toán chuyện này trong các giải pháp tới đây, làm sao để hạn chế tối đa sự xáo trộn đời sống người dân.
. Xin cám ơn ông.
Việc quy hoạch TP Thủ Đức có gì đặc biệt hơn?
. Việc quy hoạch TP Thủ Đức có điểm gì khác, đặc biệt hơn so với các quy hoạch đô thị từ trước đến nay?
+ Có thể thấy việc thành lập TP Thủ Đức là một minh chứng cho thấy hệ thống quy hoạch của mình đang có xu hướng tiệm cận dần với quy hoạch hiện đại. Trước đây, tư duy làm quy hoạch của mình là theo địa giới hành chính. Nghĩa là việc đầu của quy hoạch đô thị là sẽ làm quy hoạch của TP, sau đó đến quy hoạch chung quận/huyện.
Càng về sau người ta tiếp cận theo hướng tiến bộ hơn, đó là quy hoạch theo hướng phân khu. Tức là mỗi đô thị có những đặc thù. Khu đặc thù đó có thể phủ lên nhiều địa giới hành chính, nhiều quận/huyện. Chính vì vậy, khi quản lý một khu vực đặc thù thì tất cả chính sách, quy định về mặt quản lý sẽ phù hợp hơn là quản lý theo địa giới hành chính.
Bất cập của quy hoạch theo địa giới hành chính là quy hoạch bị ngắt khúc, dẫn đến các địa phương mạnh ai nấy làm. Lúc đó, việc làm quy hoạch kéo dài và phê duyệt hàng loạt đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000. Sau này có Luật Quy hoạch đô thị thì không gọi quy hoạch chung quận/huyện nữa mà gọi là đồ án quy hoạch phân khu.
Tuy nhiên, lúc đó chỉ đơn giản là đổi tên cho phù hợp quy định thôi chứ cũng chưa kịp thay đổi vì nhiều đồ án đã làm gần xong rồi, không có thời gian để làm lại. Cùng với đó, quy hoạch chung của TP, căn cứ để làm ra các quy hoạch phân khu cũng đã phê duyệt nên không thể làm khác.
Giai đoạn vừa rồi, tất cả đồ án quy hoạch đều đã đổi tên lại thành quy hoạch phân khu theo quy định mới. Nhưng về bản chất thì vẫn như cũ, hay nói nôm na là rượu cũ bình mới.
Bây giờ làm quy hoạch phân khu có xu hướng là phù hợp cho từng khu vực quy hoạch đặc thù, dựa trên lợi thế chung, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, hạ tầng… Điều này sẽ phát huy được thế mạnh riêng của từng khu vực đặc biệt như vậy.
NGƯỜI DÂN MONG MUỐN GÌ?
Ông HOÀNG MỨC,ngụ quận 9, TP.HCM:
Cần có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, chất lượng
TP Thủ Đức được kỳ vọng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Muốn vậy, trước hết TP phải xây dựng được hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Có như vậy việc di chuyển, đi lại mới được tối đa hóa, thuận tiện hơn cho người dân.
Hệ thống metro, Bến xe Miền Đông, các tuyến đường vành đai… đang ngày càng được hoàn thiện và đó là một trong những hạ tầng trọng điểm của TP Thủ Đức. Tuy nhiên, chất lượng của các cơ sở hạ tầng đó đến đâu, có bền, chắc và an toàn hay không, có giải quyết được nhu cầu đi lại, giảm bớt sự ùn ứ, kẹt xe hay không… mới là vấn đề mà người dân chúng tôi quan tâm.
Tôi thật sự kỳ vọng rằng khi các hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được TP đưa vào hoạt động chính thức sẽ mang lại những hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của TP.
Bà NGUYỄN THỊ GÁI,ngụ quận Thủ Đức:
Giải quyết thủ tục hành chính: Nhanh, chính xác, chuyên nghiệp
Việc xây dựng một TP Thủ Đức với khu đô thị sáng tạo, tương tác cao không chỉ là sự đổi mới về công nghệ hay hạ tầng giao thông mà đó còn phải là sự đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính cho người dân. Với một đô thị sáng tạo, thủ tục của người dân phải được giải quyết nhanh, chính xác và chuyên nghiệp.
Nếu TP Thủ Đức hình thành thì đây cũng là một trung tâm về công nghệ. Do đó, việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục cho người dân là lĩnh vực cần đổi mới trước tiên. Đặc biệt khi khu đô thị hình thành sẽ thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế thì khâu giải quyết thủ tục càng phải được đẩy mạnh.
Ngoài ra, cũng cần có những cải cách hành chính thực chất hơn, giải quyết căn bản những vấn đề về pháp lý để các doanh nghiệp và người dân cảm thấy hài lòng, thấy được sự chuyên nghiệp, xứng tầm với một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.
Ông PHAN PHÚC THIÊN,ngụ quận Thủ Đức:
Hiện đại phải đi liền với “đời sống xanh”
Việc hình thành TP Thủ Đức mang lại nhiều cơ hội cho người dân về một môi trường sống văn minh, hiện đại và trong lành. Thế nhưng, khu đô thị sáng tạo hình thành cũng khiến người ta dễ hình dung về sự mọc lên của những tòa nhà cao tầng, những khu công nghiệp hiện đại hay các khu trung tâm với cơ sở vật chất hiện đại mà thiếu đi mảng xanh.
Trong buổi làm việc với quận Thủ Đức mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã nói rằng ông mong quận Thủ Đức trở thành hình mẫu về phát triển mảng xanh ở cửa ngõ phía đông TP. Theo tôi, đây là thông điệp rất đáng mừng từ người đứng đầu chính quyền TP, vì môi trường sống của chúng ta đang ngày càng bị ô nhiễm.
Cùng với việc hình thành những dự án trọng điểm để xây dựng TP Thủ Đức tới đây, tôi mong TP sẽ có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân, để bà con có một “đời sống xanh” thực sự.
THANH TUYỀN ghi
Góp ý về tổ chức chính quyền của TP Thủ Đức
Một nội dung rất được quan tâm là tổ chức chính quyền của TP Thủ Đức tới đây sẽ như thế nào. Chúng tôi xin ghi nhận một số góp ý của các chuyên gia về nội dung này.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:
Cần có HĐND cho TP Thủ Đức
Khi nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức, TP.HCM sẽ giảm xuống ba đơn vị hành chính là ba quận. Bộ máy hành chính của TP Thủ Đức cũng sẽ phải được tính toán để phù hợp với mô hình TP mới. Đi liền với việc thành lập TP phía đông là đề án chính quyền đô thị TP.HCM, không tổ chức HĐND quận, phường. tuy nhiên, với TP Thủ Đức, tôi nghĩ cần có HĐND để tăng thêm quyền của người dân trong việc giám sát.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, sự phân cấp của chủ tịch UBND TP.HCM cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức sẽ rất khác so với việc phân cấp thẩm quyền giữa chủ tịch UBND TP với chủ tịch quận, huyện hiện nay. Có thể là để tạo ra tính tự chủ thì phải phân cấp nhiều hơn. Bên cạnh việc phải tạo ra những cơ chế như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, về thuế… Với một đô thị thông minh, công nghệ số sẽ xóa đi địa giới hành chính. Do đó, người dân không phải đi lại qua nhiều tầng nấc. Chính quyền TP sẽ tập trung đầu tư không chỉ về mặt hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa, y tế, trường học mà còn là hạ tầng số. Tức là sử dụng băng thông rộng để người dân có thể sử dụng công nghệ số qua môi trường mạng.
Để hiện thực hóa đề án xây dựng TP Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là cả một khoảng thời gian rất dài. Suốt quá trình này, chính quyền phải truyền thông để người dân hiểu, chia sẻ và đồng hành với TP trong việc xây dựng TP Thủ Đức. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân nâng dần trình độ của mình lên để thích hợp với hướng phát triển tới đây. Hiện đề án thành lập TP Thủ Đức đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương ủng hộ về mặt chủ trương, đồng thời giao nhiệm vụ cho TP.HCM cũng như các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện đề án trong thời gian tới.
Rất mong rằng trong kỳ họp Quốc hội tới đây, đề án thành lập TP Thủ Đức sẽ được Quốc hội thông qua, để năm 2021 tới đây, đề án sẽ chính thức được triển khai.
KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Nên có cơ chế đặc thù cho người đứng đầu TP Thủ Đức
Về mặt tổ chức chính quyền của TP Thủ Đức, theo tôi thì không nên bỏ cấp quận mà vẫn giữ ba quận này, vì quy mô TP quá lớn, bỏ cấp quận là không phù hợp. Tuy nhiên, có thể tính toán giảm cấp phường vì theo tiêu chí đô thị thông minh thì tới đây nhiều thủ tục hành chính ở phường được thực hiện qua công nghệ số. Mặt khác, về thẩm quyền, khi bỏ cấp quận thì có cảm giác như vị thế của lãnh đạo TP Thủ Đức này chỉ ngang cấp quận. Như vậy cũng không phù hợp lắm với quy mô, vì nó hợp nhất tới ba quận (gấp hai lần diện tích của TP Paris của Pháp – 105 km2).
Tôi nghĩ nên tham khảo mô hình TP đông của TP Thượng Hải về mặt tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, ở TP này họ giữ cấp quận. Chủ tịch TP đông của Thượng Hải có cơ chế lãnh đạo tương đương với phó chủ tịch cấp TP.
Vậy có thể tính toán đề xuất cơ chế chủ tịch TP Thủ Đức tới đây ngang cấp với phó chủ tịch UBND TP.HCM được không? Điều này là rất quan trọng vì muốn xây dựng một TP lớn gấp đôi TP Paris như TP Thủ Đức trong tương lai, cần cơ chế đặc thù cho nó… Theo đó, chủ tịch TP phía đông phải được phân cấp quyền hành để có thể làm được việc này, còn nếu chỉ tương đương chủ tịch quận thì sẽ rất khó hiệu quả trong phối hợp, chỉ đạo điều hành.
VIỆT HOA – KIÊN CƯỜNG ghi