Vụ nhãn năm nay được mùa lớn, nhưng hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ do dịch Covid-19, các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong số các địa phương mang nhãn tới giới thiệu tại sự kiện này, Sơn La và Hưng Yên có số lượng nhà vườn, doanh nghiệp tham gia đông đảo nhất. Đây là hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc Việt Nam với khoảng 30% diện tích toàn quốc. Niên vụ này, hai tỉnh được mùa nhãn nhưng tình hình thực tế đang khiến cho các nhà vườn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, vụ nhãn năm 2020, tỉnh Hưng Yên có diện tích khoảng 4.600ha, với sản lượng trên 50.000 tấn. Ngay từ đầu vụ, tỉnh xây dựng Kế hoạch xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc. Tuy nhiên, do diễn biến của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương, các nhà phân phối, chế biến và chung tay của người tiêu dùng.
Thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở các tỉnh, thành phố khác đang trồng nhãn, đặc biệt là tỉnh Sơn La với diện tích gần 19.500 ha, thu hoạch 75.000 tấn, khiến cho các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng một số cơ quan, doanh nghiệp xúc tiến thương mại quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chất lượng quả nhãn Việt Nam và các sản phẩm giá trị gia tăng từ nhãn đang ngày càng được nâng cao. Ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, các sản phẩm nhãn Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Đông…
“Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ…, đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi của nước nhập khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Đã có hơn 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam, bao gồm: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc được giao dịch trực tuyến với hơn 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhãn lớn nhất của Việt Nam, với sự tham gia của hơn 40 thương nhân, nhà nhập khẩu đến từ các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Thượng Hải, Chiết Giang và Trùng Khánh – Trung Quốc.
Theo ông Hồ Tỏa Cẩm – Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Việt Nam có nhiều loại hàng nông sản, thủy sản được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích, đặc biệt là nhãn Việt Nam vỏ mỏng, cùi dày. Mỗi năm đều là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm nay nhãn Việt Nam được mùa, Đại sứ quán Trung Quốc vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Việt Nam để tạo điều kiện cho mặt hàng nhãn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, từ khâu xúc tiến thương mại, thông quan hàng hóa và tiêu thụ.
“Tôi cũng đề nghị các thương gia Trung Quốc tích cực tìm hiểu và thu mua nhãn Việt Nam, vừa hỗ trợ nông dân Việt Nam, vừa thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai bên”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Thực tế, ngay từ khi chưa vào vụ, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại lồng ghép nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng nhãn trong các chương trình giao thương trực tuyến chuyên đề nông sản, thực phẩm với một số thị trường nước ngoài. Việc này được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà nhập khẩu nước ngoài hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho sản phẩm nảy./.