‘Tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng và hoàn thiện đề án’ là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu tại buổi làm việc sáng nay.
Sáng nay 16/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến hoàn thiện đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 – 2025”.
Nghệ An là tỉnh ven biển có 6 cửa lạch, diện tích tiềm năng có thể đưa vào (NTTS) là 52.092 ha. Năm 2019, giá trị sản xuất đạt 149 tỷ 165 triệu đồng, đã xây dựng được một số mô hình thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế; góp phần quan trọng thực hiện đề án , tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Đây được coi là ngành có nhiều tiềm năng phát triển, khi nhu cầu thị trường hiện đang hướng đến những sản phẩm đặc sản chất lượng, giá trị cao về dinh dưỡng. Trong điều kiện dịch bệnh trên tôm nuôi và động vật trên cạn vẫn còn tiếp diễn thì nhu cầu về thủy sản đặc sản nội địa – vốn ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên diện rộng, được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao, với thị trường tiêu thụ đa dạng, tiềm năng không chỉ trong tỉnh mà trong cả nước.
Đề án xác định, phát triển NTTS đặc sản nội địa trên cơ sở , công nghệ tiên tiến, tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập và mức sống của nông, ngư dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, giá trị nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa đạt 250 – 300 tỷ đồng, 1.200 lồng, nuôi bể 30.000 m2, sản lượng 4.900 – 5.000 tấn, tạo việc làm cho khoảng 10 ngàn lao động thường xuyên và thời vụ.
Phát biểu kết luận, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu nêu rõ: Phát triển NTTS đặc sản nội địa bên cạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, giảm đánh bắt tự nhiên. Đơn vị chủ trì xây dựng đề án phải tiếp thu các ý kiến góp ý, làm rõ thêm một số nội dung như: Hiệu quả và tiềm năng như vậy nhưng vì sao kết quả đạt được vẫn thấp; Ngoài các nhóm giải pháp về KHKT, cơ chế chính sách, thị trường và xúc tiến đầu tư, bảo vệ môi trường sinh thái thì có cần bổ sung giải pháp gì không…
“Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tiêu thụ, nếu thực sự hiệu quả và đầu ra ổn định thì người dân sẽ tự chủ động phát triển. Vì vậy, giải pháp về tiêu thụ phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng và hoàn thiện đề án” – đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh./.