Năm 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu (XK) đạt 4 tỷ USD, tăng trưởng 7,4% so với năm 2019. Trong cơ cấu kim ngạch XK của tỉnh, ngành may mặc và giày da chiếm tới 70% tổng giá trị. May mặc, giày da cùng với các sản phẩm lọc hóa dầu cũng được xác định là động lực chính trong tăng trưởng giá trị XK của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) trong ca sản xuất.
Trong những tháng đầu năm, tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực may mặc, giày da chịu tác động nặng nề. Tuy nhiên, từ giữa năm đến nay, với nhiều nỗ lực trong kết nối, tìm kiếm thị trường, chuyển đổi mô hình sản xuất, tình hình XK của các DN may mặc, giày da của Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh việc tìm kiếm thêm các thị trường thuận lợi tiêu thụ các mặt hàng truyền thống, nhiều DN cũng đã chủ động chuyển đổi lĩnh vực sản xuất sang các loại hàng hóa dễ tiêu thụ như khẩu trang, quần áo, phụ kiện mặc ở nhà để cân đối việc làm, thu nhập cho người lao động.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, từ tháng 6-2020, XK hàng hóa may mặc, giày da đã có tín hiệu phục hồi. Trong tháng 6, XK hàng hóa may mặc đã tăng 27,9% so với tháng 5. Đến tháng 8, hàng may mặc XK đã đạt 22,4 triệu sản phẩm, tăng 0,7% so với tháng 7 và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, toàn tỉnh đã XK được 154,3 triệu sản phẩm may mặc và chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. XK giày dép tuy phục hồi chậm hơn nhưng cũng được kéo gần khoảng cách sụt giảm so với những tháng đầu năm. Sự đóng góp, tăng trưởng ổn định trở lại của ngành may mặc, giày da cùng với các sản phẩm lọc hóa dầu đã đưa giá trị XK 8 tháng toàn tỉnh đạt hơn 2,244 tỷ USD, bằng 94,5% so với cùng kỳ và đạt 56,3% so với kế hoạch năm.
Tuy kết quả đạt được trong lĩnh vực XK còn khá khiêm tốn so với cùng kỳ và mục tiêu, tuy nhiên, kết quả này đã thể hiện những nỗ lực, sự trăn trở, nhanh nhạy thích ứng với bối cảnh thị trường của các DN trong tỉnh. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết: Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu đã được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, các thị trường XK may mặc lớn của Việt Nam là Mỹ, EU vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Một số đơn hàng vẫn tiếp tục có thông tin về giãn, lùi tiến độ giao hàng. Đơn giá sản phẩm năm nay cũng thấp hơn nên các DN sẽ phải nỗ lực thêm một thời gian nữa chờ tình hình khởi sắc hơn.
Cùng với nỗ lực của các DN, hiện nay, ngành công thương Thanh Hóa đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ DN nắm bắt, tiếp cận cơ hội thị trường mới khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đang trong giai đoạn đầu tư sớm hoàn thành đi vào hoạt động, đóng góp vào thực hiện kế hoạch XK trong năm 2020. Trong bối cảnh này, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực, nhất là vấn đề hỗ trợ lãi suất và tiếp cận nguồn vốn để các DN nói chung và DN trong lĩnh vực may mặc, giày da có nguồn lực để ổn định và duy trì sản xuất.