Giá Brent (tháng 11) trong 3 ngày giao dịch đầu tuần 21 – 23/9 biến động trong biên độ 41,15 – 43,26 USD/thùng, tại thời điểm 22h30 MSK giao dịch ở mức 41,5 USD/thùng, giảm 0,4%.
Mở cửa tuần giao dịch ngày 21/9 đầu phiên, Brent tăng nhẹ 1% lên mức cao nhất 43,26 USD/thùng nhờ thông tin bão Beta, ngay sau đó bắt đầu giảm mạnh trên 5% xuống 41,15 USD/thùng theo thị trường chứng khoán và hàng hóa thế giới do cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo sau sự việc tiết lộ thông tin hợp thức hóa hàng nghìn tỷ USD. Ngoài ra, giá dầu bị ảnh hưởng bởi thông tin Libya nối lại khai thác và xuất khẩu dầu thô, sản lượng có thể lên tới 260.000 bpd trong thời gian tới, đồng USD mạnh lên so với các ngoại tệ khác và diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp tại châu Âu, Ấn Độ, thị trường lo ngại đợt cách ly xã hội mới (lockdown) giống Israel.
Ngày 22/9, Brent dao động trong biên độ hẹp, quanh mốc 41,5 USD/thùng, thị trường tiếp tục bị chi phối bởi lo ngại dịch bệnh tái bùng phát tại châu Âu, số ca nhiễm mới tăng mạnh tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Chính phủ Anh đã phải tuyên bố áp dụng một số biện pháp hạn chế như: làm việc từ xa, phạt không đeo khẩu trang, hạn chế thời gian làm việc của các nhà hàng, quán bar. Madrid áp dụng chế độ cách ly từng phần. Số ca nhiễm mới tại Nga cũng có xu hướng tăng đều, lên 6.431ca/ngày – cao nhất kể từ giữa tháng 7.
Ngày 23/9, Brent giảm gần 1% xuống 41,38 USD/thùng sau thông tin về trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần qua tăng 0,7 triệu thùng của API thay vì giảm 2,2 triệu thùng theo dự báo, báo cáo chính thức của EIA cho thấy trữ lượng giảm 1,64 triệu thùng, nhờ đó Brent tăng trở lại 2% lên 42,27 USD/thùng. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ yếu, đồng USD mạnh lên và thiếu thông tin hỗ trợ, Brent sẽ khó giữ được đà tăng, hiện giá đã xuống dưới mốc 42 USD/thùng.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này giá Brent sẽ dao động trong biên độ 39 – 43 USD/thùng.