Trái với không ít dự đoán về việc thị trường sẽ điều chỉnh mạnh sau khi liên tiếp tăng cao, VN-Index tiến sát 1.200 điểm, chỉ số chỉ giảm một phiên vào giữa tuần qua. Tâm lý đa số nhà đầu tư vẫn vững vàng đã giúp chỉ số khoác áo màu xanh trong cả 2 phiên cuối tuần.
Nhóm trụ vẫn có sức bật
Tỷ suất sinh lợi trên thị trường chứng khoán vẫn thu hút nhà đầu tư khi thị giá không ít cổ phiếu tăng gấp đôi trong chưa đầy 1 tháng như KBC, BSI, MBS, SHS, CTS…
Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn lạc quan, nhất là khi thị trường liên tục xuất hiện các thông tin hỗ trợ, tiếp sức cho chỉ số chinh phục các mức điểm mới, dù tốc độ không còn ào ạt như trước. Thực tế, thị trường giảm tốc không khiến nhà đầu tư e ngại, thậm chí còn giúp họ an tâm hơn về sức bật của thị trường trong thời gian tới.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu trụ vẫn dẫn dắt thị trường, tạo sức bật cho VN-Index như VHM, GVR, GAS, VCB, CTG, TCB… Một số nhà đầu tư lớn chia sẻ, họ mua mạnh theo các quỹ đầu tư, với những cổ phiếu có tác động lan tỏa đến chỉ số chung.
Nhóm cổ phiếu trụ vẫn dẫn dắt thị trường, tạo sức bật cho VN-Index.
Trong tuần này là đến hạn công bố thông tin kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Thông thường, những doanh nghiệp có kết quả tích cực sẽ ra tin sớm, bởi thế, lớp thông tin đầu tiên được nhận định là các tin tốt hỗ trợ thị trường.
Sóng đã bắt đầu nổi ở những nhóm ngành có thông tin lợi nhuận đột biến trong quý IV/2020, trong đó, rõ ràng nhất là khối công ty chứng khoán, rồi tới các ngân hàng, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan hơn kịch bản dự báo…
Một yếu tố khác hỗ trợ thị trường là nhiều doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt như Nhà Từ Liêm, Traphaco, Cao su Phước Hòa, VCF, Nam Long… Động thái này vừa hỗ trợ niềm tin cho nhà đầu tư, vừa tạo thêm một dòng vốn mới đưa vào thị trường.
Mức tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán và thành quả hoạt động của nhiều quỹ đầu tư đang là thông tin hấp dẫn dòng vốn ở nước ngoài. Thông tin mà Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan đang gia tăng mối quan tâm vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, khác với trước đây là trực tiếp mở tài khoản đầu tư thông qua các công ty chứng khoán, nay họ thường đưa vốn vào qua các quỹ ETF do các công ty chứng khoán Hàn Quốc kết hợp với các đối tác Việt Nam gây quỹ.
Mirea Assert là một ví dụ, công ty này đang xúc tiến các bước hợp tác với các định chế tài chính lớn ở Việt Nam.
Cung hàng hỗ trợ sức bền
Khi thị trường sôi động, thanh khoản tăng cao, câu hỏi được quan tâm là các đợt thoái vốn nhà nước có được tiến hành dồn dập để tranh thủ cơ hội? Tương tự, các đợt phát hành của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán có ảnh hưởng đến sức cầu?
Nói về việc thoái vốn nhà nước, theo phân tích của một đầu mối bán vốn lớn là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), thị trường sẽ khan hàng thoái vốn cho tới hết tháng 5/2021.
Các doanh nghiệp triển khai các đợt thoái vốn nhà nước đang chờ đợi Thông tư hướng dẫn Nghị định 140/2020/NĐ-CP.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP.
Với các quy định của Nghị định 140/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp thoái vốn sẽ phải thực hiện một số điểm mới trong công tác định giá doanh nghiệp. Các đợt thoái vốn trong năm 2021 nhiều khả năng phải căn cứ vào báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của doanh nghiệp.
Báo cáo này sớm nhất cũng phải sau tháng 3/2021 mới có. Trong khi đó, các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo Quyết định 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 mà chưa thực hiện thoái vốn sẽ phải chờ chỉ đạo mới.
Tại buổi gặp gỡ báo chí tuần qua, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, Tổng công ty đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp chưa thực hiện được theo Quyết định 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017.
Theo quyết định này, trong giai đoạn 2017 – 2020, SCIC phải bán vốn nhà nước tại 132 doanh nghiệp. Năm 2020, SCIC đã thoái vốn thành công ở 10 doanh nghiệp, thu về 1.521 tỷ đồng, gấp 2 lần giá vốn.
Về khả năng phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch khởi động, nhưng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn.
Cụ thể, Luật Chứng khoán 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định, các đợt phát hành riêng lẻ (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) phải cách nhau ít nhất 6 tháng.
Do đó, thay vì phát hành liên tục, thậm chí có doanh nghiệp phát hành mỗi tháng một lần như giai đoạn 2018 – 2019, các doanh nghiệp nhiều khả năng chỉ phát hành được một đợt trong năm 2021.
Cũng theo quy định mới, doanh nghiệp chịu các quy định khắt khe hơn trong phát hành ra công chúng, chẳng hạn phải có lãi liên tục trong 2 năm gần nhất, không được phát hành quá lượng cổ phiếu đang lưu hành. Đặc biệt, thủ tục cấp phép, xét duyệt được siết chặt hơn.
Đại diện một doanh nghiệp đã nộp hồ sơ phát hành từ cuối năm 2020 chia sẻ, doanh nghiệp vướng quy định về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, có một số ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia nhưng trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp vẫn có nhà đầu tư ngoại.
Nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần cam kết sẽ xử lý vấn đề này thì nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải xử lý xong các vướng mắc (tổ chức họp đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến về bãi bỏ một số ngành nghề), thực hiện xong mới được xem xét cấp phép tăng vốn.
Các yếu tố trên khiến lượng cung phát hành ra thị trường có thể không cao như dự tính. Cầu lớn mà cung mới không tăng mạnh, tâm lý thị trường sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn có tác động tích cực nếu đó là các hàng hóa tốt.