Dòng tiền thụ động vẫn coi thị trường Việt Nam là một điểm đến tốt và kỳ vọng đây là xu hướng mới của dòng tiền ngoại vào thị trường chứng khoán. Thời gian tới, vốn ngoại có thể lựa chọn các hoán đổi danh mục (ETF) để gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đây là chia sẻ của ông Phan Như Bách – Chuyên viên Phân tích, Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT khi trao đổi với phóng viên TBTCO về dòng tiền ngoại gia nhập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thông qua sự tăng trưởng của các quỹ ETF.
* PV: Thưa ông, liên tiếp các quỹ ETF nội được mở và cho thấy sự thành công bước đầu. Ông đánh giá thế nào về diễn biến của các quỹ ETF trên TTCK Việt Nam hiện nay?
– Ông Phan Như Bách: Với sự tăng trưởng quy mô của các ETF trong thời gian vừa qua, tiêu biểu là quỹ ETF VN30 trong giai đoạn 2017 – 2019 với quy mô lên đến hơn 6.000 tỷ đồng. Sau đó, quỹ ETF VN Diamond được niêm yết vào tháng 5/2020 và nhanh chóng tăng quy mô hơn 1.600 tỷ đồng đã và đang chứng minh được sự thành công bước đầu của loại hình đầu tư thụ động tại thị trường Việt Nam.
Tính trong năm 2020, nhiều quỹ đầu tư ETF được thành lập như VNDiamond, VN Finlead, VN Finselect, VN100 và quỹ ETF thứ 2 dựa trên VN30 là dấu hiệu tích cực giúp nhà đầu tư có thêm sản phẩm nhằm đa dạng hóa danh mục cũng như thu hút thêm dòng vốn đầu tư thụ động mới, nhất là dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam. Gần đây nhất, dòng vốn của quỹ China Trust Vietnam Opportunity Fund cũng đang có xu hướng đầu tư vào quỹ ETF VN Diamond.
* PV: Mới đây, bên cạnh sự thành công của các ETF nội, thì thông tin của dòng tiền mới từ Đài Loan thông qua một quĩ mới mở có tên China Trust Vietnam Opportunity Fund, trong đó danh mục đầu tư chủ yếu là từ Vietnam Diamond ETF. Ông có thể chia sẻ gì về thông tin này?
– Ông Phan Như Bách: Thông tin trên thị trường vừa qua cho thấy, CTBC Investment (thuộc CTBT Holdings – Đài Loan) huy động được gần 4.000 tỷ đồng cho quỹ China Trust Vietnam Opportunity Fund chỉ trong 5 ngày của đợt chào bán đầu tiên với mục tiêu đầu tư tập trung vào chứng chỉ quỹ ETF VN Diamond. Đây là một thông tin tích cực đối với thị trường Việt Nam khi có thêm dòng vốn mới chảy vào thị trường với một quy mô khá lớn, tương đương với gần 75% quy mô ETF nội hiện tại là VN30.
Chúng tôi cho rằng, VN Diamond là ETF đặc trưng của thị trường Việt Nam và phù hợp với các nhà đầu tư khối ngoại, khi danh mục đầu tư là các cổ phiếu hết room trên thị trường. Do vậy, ETF VN Diamond đang thể hiện tốt vai trò thu hút dòng vốn thụ động của nước ngoài, đồng thời chứng minh được sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh và kinh tế bất ổn toàn cầu.
* PV: Với các thông tin tích cực từ các quỹ ETF và quỹ ngoại nêu trên, chúng ta liệu có nên kỳ vọng vào một xu hướng mới của dòng tiền ngoại vào TTCK Việt Nam thời gian tới hay không, thưa ông?
– Ông Phan Như Bách: Dòng vốn ngoại vẫn đang có xu hướng rút ra khỏi Việt Nam trong tháng 7, 8 và khối này vẫn bán ròng ở cả 3 sàn. Tuy vậy, vẫn còn điểm tích cực là dòng tiền khối ngoại đổ vào các quỹ ETF ngoại, nhất là quỹ ETF của VanEck khi liên tục tăng quy mô vốn với tổng giá trị quy mô tăng thêm lên đến 27 triệu USD trong tháng 7 và 8.
Có thể thấy, dòng tiền thụ động vẫn coi thị trường Việt Nam là một điểm đến tốt và kỳ vọng đây xu hướng mới của dòng tiền ngoại vào TTCK Việt Nam. Thời gian tới, dòng tiền ngoại có thể lựa chọn các ETF để gia nhập TTCK Việt Nam.
* PV: Ông nhận định thế nào về diễn biến dòng tiền khối ngoại trong thời gian từ nay tới cuối năm? Đâu là yếu tố để chúng ta kỳ vọng khối này sẽ giao dịch tích cực hơn, thậm chí là lộ rõ xu hướng mua ròng trong thời gian tới?
– Ông Phan Như Bách: Làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại tác động khá tiêu cực tới tình hình kinh tế trong nước. Trên thị trường chứng khoán, khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng trong 2 tháng gần đây.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và triển vọng tăng trưởng trung hạn tích cực; kỳ vọng nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sau khi Kuwait được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn; và hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực vào đầu tháng 8 vừa qua;… là các yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường và giao dịch tích cực hơn trong thời gian tới.
* PV: Xin cảm ơn ông!