Văn phòng Kiến trúc sư do Kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (Luật Kiến trúc).
PV: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 ngày 13/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2020 ngày 17/7/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BXD ngày 28/7/2020. Xin ông cho biết những nội dung chính của các văn bản quy định pháp luật trên.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Luật Kiến trúc đã có những quy định về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Đối với công tác quản lý về kiến trúc đã được quy định cụ thể trong các điều khoản ghi trong Luật và nguyên tắc hoạt động, các yêu cầu đối với kiến trúc đô thị và các nguyên tắc đối với công cụ quản lý là quy chế quản lý kiến trúc, thi tuyển kiến trúc.
Đối với việc hành nghề kiến trúc được coi là dịch vụ kiến trúc với 9 nội dung bao gồm: Thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế kiến trúc trong đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, thiết kế nội thất, cảnh quan…
Luật quy định Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân có chứng chỉ hành nghề không thuộc tổ chức hành nghề kiến trúc, nhân danh cá nhân mình thực hiện các dịch vụ kiến trúc và kiến trúc sư hành nghề.
Đối với các cá nhân hành nghề trong tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật bao gồm: Văn phòng kiến trúc sư, tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp khác. Văn phòng Kiến trúc sư do Kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.
Trong Nghị định 85 đã quy định Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch sau khi có ý kiến tham vấn bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Chứng chỉ hành nghề có thời hạn là 10 năm.
PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn về “Quy chế quản lý kiến trúc” sẽ giải quyết được tốt hơn về quản lý trật tự đô thị?
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Quy chế quản lý kiến trúc phải đáp ứng các yêu cầu về quản lý từ không gian tổng thể đến cụ thể của công trình kiến trúc, đáp ứng yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn.
Các quy định cụ thể trong việc ứng xử với khu vực hiện hữu, khu phát triển mới, sử dụng màu sắc, vật liệu trang trí, hệ thống biển báo, chiếu sáng đô thị, các công trình tượng đài, điêu khắc, trang trí.
Đối với kiến trúc nông thôn khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế cho công trình công cộng, nhà ở nông thôn.
Quy chế về quản lý kiến trúc ngoài diễn giải thuyết minh còn có minh họa bằng bản vẽ, hình ảnh minh họa. Quy chế phải được HĐND tỉnh, thành phố thông qua.
PV: Xin ông cho biết thêm về vai trò của Hội đồng tư vấn kiến trúc, đang là điểm mới của Luật Kiến trúc mà các Luật khác trước đây chưa đề cập tới.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Trong Luật có quy định hai cấp Hội đồng: Hội đồng tư vấn cấp quốc gia do Thủ tướng quyết định và Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập.
Đối với các công trình quan trọng cấp quốc gia, các công trình có tính định hướng kiến trúc cho vùng miền, công trình điểm nhấn thì Thủ tướng Chính phủ quy định thành lập Hội đồng tư vấn kiến trúc quốc gia. Những công việc khác như: Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, công tác đào tạo, hợp tác quốc tế… liên quan đến kiến trúc thì Thủ tướng Chính phủ có thể lấy ý kiến Hội đồng nếu thấy cần thiết trước khi xem xét quyết định.
Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh tư vấn cho Chủ tịch tỉnh về lĩnh vực kiến trúc là kiến trúc của một số công trình quan trọng, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn tỉnh quản lý.
Các địa phương cũng cần có định hướng phát triển kiến trúc theo hướng hiện đại ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu xây dựng mới trong việc nghiên cứu và khai thác yếu tố đặc trưng, văn hóa và kiến trúc bản địa để công trình có kiến trúc mang bản sắc vùng miền.
Thành viên Hội đồng tư vấn kiến trúc cấp tỉnh gồm các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về kiến trúc, các cơ quan liên quan. Các tỉnh có thể mời các chuyên gia về kiến trúc ở ngoài tỉnh và các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến kiến trúc tham gia hội đồng.
PV: Ông có thể cho biết những điểm mới trong quy định hành nghề kiến trúc hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Chứng chỉ hành nghề kiến trúc được cấp có thời hạn 10 năm, quy định về điều kiện trước khi cơ quan chuyên môn về kiến trúc; UBND cấp tỉnh cấp thì phải qua sát hạnh cấp chứng chỉ về kinh nghiệm. Kiến thức chuyên ngành, pháp luật, quy tắc ứng xử…
Tổ chức hành nghề kiến trúc gồm: Văn phòng kiến trúc sư, tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp khác được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Kiến trúc cùng các quy định khác có liên quan.
Luật Kiến trúc đã mở ra những điều kiện tốt để các kiến trúc sư có thể phát huy mạnh hơn khả năng sáng tạo, chứng tỏ sau khi Luật Kiến trúc đi vào cuộc sống đã tạo ra các sản phẩm là các công trình có ích cho xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!