Những năm gần đây, các địa phương ven biển của tỉnh đã thành lập mô hình tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản (NTTS) giúp người nuôi đoàn kết, nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động NTTS.
Khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung của xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa).
Sau thời gian thành lập và đi vào hoạt động, Tổ cộng đồng NTTS xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) đã thể hiện được vai trò tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, cụ thể, như: Tổ chức cho các hội viên làm vệ sinh môi trường, lấy mẫu kiểm dịch định kỳ, giám sát xả thải khi có dịch, xây dựng và tuân thủ lịch cấp nước… Bên cạnh đó, các hoạt động chung cũng giúp cho các thành viên trong tổ gắn bó chặt chẽ hơn trong hoạt động sản xuất, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu lực quản lý của địa phương. Từ kết quả ban đầu đạt được có thể thấy rằng, đây là mô hình hoạt động hết sức thiết thực, hiệu quả cần được nhân rộng tại các vùng NTTS trong tỉnh, nhất là tại các vùng NTTS tập trung. Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên môn cần quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân các vùng nuôi có thể thành lập tổ quản lý cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động NTTS tại các địa phương. Ông Chu Hữu Độ, Tổ trưởng Tổ cộng đồng NTTS xã Hoằng Lưu, cho biết: Thông qua tổ này, hoạt động sản xuất tại hơn 100 ha diện tích NTTS của xã đã giảm dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tổ thường xuyên duy trì làm vệ sinh môi trường, khơi thông các công trình cấp, thoát nước; cải tạo một số vị trí cần thiết thuộc các công trình hạ tầng dùng chung; lên lịch cấp nước, xả nước cho các đầm trong khu; thỏa thuận về thời điểm thu hoạch để tránh bị ép giá sản phẩm… Đến nay, một số hộ trong tổ đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm trong bể xi măng hoặc ao phủ bạt. Nhờ làm chủ công nghệ, các hộ có thể thâm canh tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao; các diện tích bị thiệt hại vì dịch bệnh hàng năm giảm đáng kể.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã có những mô hình tổ tự quản, tổ cộng đồng NTTS hiệu quả, như: Các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn. Các tổ cộng đồng NTTS ngoài tạo sự liên kết giữa các hộ dân với nhau, còn là đầu mối ký kết hợp đồng dịch vụ từ đầu vào đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giúp các hộ dân tiếp cận chính sách của Nhà nước thuận lợi hơn… Ngoài ra, các tổ cộng đồng NTTS còn giải quyết các vụ việc xảy ra trong quá trình NTTS, như: Tranh chấp bãi triều, ao đầm, nguồn giống… Vào vụ nuôi, các thành viên trong tổ thống nhất với nhau về việc mua giống, thời điểm thả giống, cấp thoát nước, đặt hàng về chủng loại thức ăn, chế phẩm sinh học dùng cho đối tượng nuôi… Đây là những điều kiện hết sức cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm dịch bệnh. Mặc dù, đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên các mô hình tổ quản lý cộng đồng NTTS vẫn còn những tồn tại, dẫn đến chưa đạt hết những mục tiêu đề ra. Cụ thể là việc tổ chức của các tổ chưa có tính gắn kết chặt chẽ, không có quỹ chung, chưa có chế tài xử lý vi phạm, chỉ mang tính hình thức… Vì vậy, các tổ cần đổi mới hoạt động để phù hợp với tình hình thực tế, trong đó phát huy hơn nữa sức mạnh đoàn kết, tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong tổ.