Khi gia đình hạnh phúc, hòa thuận, người phụ nữ có điều kiện để tham gia các hoạt động của đời sống xã hội. Vì thế, những năm qua, công tác gia đình luôn được các cấp Hội phụ nữ đặc biệt quan tâm.
Triển khai Đề án 279 “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”; các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp chị em nâng cao kiến thức và kỹ năng sống, làm tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Đồng thời, các cấp Hội vừa chú trọng tuyên truyền về truyền thống của phụ nữ, gia đình Việt Nam vừa trang bị kiến thức kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình cho chị em, thông qua các phong trào tiêu biểu như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…
Giai đoạn 2014-2020, Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức 1.584 buổi tuyên truyền cho 60.292 cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con, phòng chống xâm hại…; 140 lớp tập huấn kiến thức về công tác gia đình cho 8.400 lượt cán bộ Hội chủ chốt, hội viên nòng cốt, thành viên các CLB “Phụ nữ nuôi dạy con tốt”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”…; tổ chức 25 hội nghị tập huấn truyền thông phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…
Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình. Hầu hết các gia đình hội chuyên trách ở các cấp hàng năm đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Gia đình bà Nguyễn Thị Chăm, khu 2, phường Hà Tu (TP Hạ Long) nhiều năm đều được công nhận là gia đình văn hóa. Trong gia đình bà có 3 thế hệ cùng chung sống, vì thế bà Chăm luôn là người kết nối các thành viên trong gia đình, cố gắng giữ những nếp sinh hoạt chung, tạo không khí thoải mái cho từng thế hệ.
Bà Chăm chia sẻ: “Trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhiều lúc không tránh khỏi những bất đồng, đặc biệt là những gia đình có nhiều thế hệ sinh sống. Ở mỗi lứa tuổi đều có những cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề khác nhau. Vì thế, để kết nối mọi người trong gia đình lại, tôi đã phải có những cách thức phù hợp, với những chia sẻ thẳng thắn để tìm ra những điểm tốt, điểm chưa được để cùng khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó, ông bà, cha mẹ trong gia đình phải là những tấm gương của con cháu trong việc duy trì nề nếp, đạo đức, lối sống…”
Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong việc duy trì hạnh phúc gia đình. Chính vì thế, các cấp Hội đã cùng chung tay, góp sức thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần hạn chế bạo lực gia đình từ nguyên nhân kinh tế khó khăn. Nhiều phong trào, hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế được các cấp hội đẩy mạnh, như: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ…
Tính trong 9 tháng, các cấp Hội đã duy trì ủy thác với Ngân hàng CSXH tỉnh với tổng dư nợ là 1.495 tỷ với 1.090 tổ tiết kiệm vay vốn, hỗ trợ 34.098 hộ vay. Đồng thời, thực hiện 3 mô hình giảm nghèo tổng kinh phí là 400 triệu đồng gồm: Mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ); mô hình nuôi bò tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); mô hình nuôi dê tại xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu)…
Nhằm hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, các cấp, ngành có liên quan trong tỉnh còn nhân rộng những mô hình điển hình, làm động lực cho các phong trào thi đua có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Hằng năm, đều tổ chức những buổi thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình văn hóa tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho xã hội. Nhờ đó đã phát huy được những giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình, thay đổi được hành vi, nhận thức của gia đình trong toàn xã hội.