Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng trong năm 2020 ngành vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến đầu tháng 11 lượng xi măng tiêu thụ đạt 74 triệu tấn, kính xây dựng đặt 141 triệu m2, đá ốp lát đạt 452 triệu m2… Dự báo trong năm 2021 ngành sẽ khởi sắc và đạt tốc độ tăng trưởng trở lại.
Theo Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, với việc kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt chỉ số tăng trưởng dương, theo đó ngành VLXD vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, tính đến đầu tháng 11/202020, tình hình tiêu thụ xi mặng tiêu thụ đạt 74 triệu tấn, kính xây dựng đạt 171 triệu m2, sứ vệ sinh đạt 12,8 triệu sản phẩm, đá ốp lát đạt 12 triệu m2, gạch ốp lát đạt 452 triệu m2, vôi công nghiệp đạt 1,5 triệu tấn, tấm lợp fibro xi măng đạt trên 33 triệu m2.
“Tất cả các sản phẩm VLXD vẫn đang sản xuất ổn định, dù năng suất và sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đa phần đều tăng trưởng dương. Riêng xi măng không chỉ đạt được mục tiêu sản xuất trong nước mà tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường BĐS được đánh giá là có nhiều tín hiệu tích cực trong năm tới. Đây là cơ hội để lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục phát triển mạnh” – ông Phạm Văn Bắc cho hay.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Khôi Nguyên cho rằng, sự đình trệ của thị trường BĐS đang có tác động trực tiếp đến việc giảm doanh số kinh doanh và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp VLXD. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, thị trường bình ổn sẽ giúp cho ngành VLXD khởi sắc trở lại. “Cùng với đó, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020. Thời gian tới nhiều dự án đầu tư công lớn sẽ tiếp tục được triển khai; cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS sẽ là cơ hội tốt cho ngành VLXD phục hồi và tăng trưởng trở lại” – ông Phạm Khôi Nguyên nhìn nhận.
Trong thời gian gần đây, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, như: Chiến lược phát triển VLXD hay tham mưu để xây dựng Đề án bảo vệ an ninh kinh tế trong lĩnh vực VLXD ; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP và một số văn bản quy phạm pháp luật khác; tham mưu với Chính phủ ban hành Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1696, Quyết định 452. Mới đây, đề xuất với Chính phủ tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung giai đoạn 2021 – 2030… Đây là những căn cứ quan trọng để ngành VLXD phát triển trong thời gian tới.