Mua bán hàng hóa trên mạng ngày càng trở nên phổ biến, thế nhưng khâu quản lý chưa bắt kịp khiến gian lận thương mại được dịp nở rộ. Cơ quan chức năng cảnh báo: nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) là nơi người bán đang dễ dàng lợi dụng để tiêu thụ, phân phối hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng cấm…
“Thượng đế” kêu… trời
Chị Bích Diệp (ngụ chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, Q7) đặt mua áo quần cho con sau khi vô tình xem livestream trên Facebook. Bị cuốn hút bởi hình ảnh sản phẩm bắt mắt và lời giới thiệu thuyết phục của người bán, chị đồng ý chốt đơn hàng. Nhưng rồi chị Diệp đã không khỏi thất vọng khi nhận về những bộ đồ trẻ em nhăn nhúm, chất vải rất xấu, chỉ có màu sắc là khá giống với lúc xem livestream…
Chị Thanh Nhàn (ở Q1) cũng chia sẻ: “Cách đây vài hôm tôi có đặt mua túi xách trên một trang TMĐT để làm quà tặng sinh nhật, lúc nhận hàng không để ý nên khi phát hiện ra cái túi làm giả thương hiệu, mới biết mình bị lừa. Tôi bực mình gọi điện khiếu nại thì người bán “khẳng định” không nhầm, họ giao đúng sản phẩm mà chị đã bấm chọn trên mạng. Bỏ tiền mua hàng thật, vậy mà lại nhận về hàng giả, đã thế còn bị cãi bay là do mình tự chọn…”.
Luật sư Hoàng Cao Sang – Đoàn Luật sư TPHCM:
Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răn đe, mức phạt còn rất thấp so với hậu quả mà hành vi đó gây ra cho xã hội. Đặc biệt, với những hành vi vi phạm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người như gian lận hàng hóa chẳng hạn, hình phạt hoàn toàn chưa tương xứng. Vì thế cần hoàn thiện thêm về tội danh sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả và có hướng dẫn cụ thể để các quy định này sớm đi vào thực tiễn, từ đó góp phần hạn chế, giảm tác hại của vấn nạn gian lận thương mại, đặc biệt trên nền tảng TMĐT hiện nay.
Tháng 5 vừa qua, do giãn cách xã hội, anh Nguyễn Văn Lương (nhân viên kế toán một công ty xây dựng ở Q7) có mua một chiếc đồng hồ hiệu Citizen với giá 4 triệu đồng trên một shop online. Mới đây, khi đi công tác Hà Nội, chiếc đồng hồ gặp trục trặc nên anh đưa ra chính hãng kiểm tra, lúc này mới biết mình bị lừa mua nhầm hàng nhái mà không biết.
Thử vào xem livestream bán đồ thời trang của tài khoản C.H.Y trên Youtube, chúng tôi được nghe khẳng định toàn bộ sản phẩm đều là hàng hiệu chính hãng, do dịch Covid bị tồn nên mở bán để xả kho với giá cực rẻ. Hàng chục thương hiệu từ giày thể thao đến túi xách, quần áo… được người bán trưng ra giới thiệu: “Giá gốc từ 1 – 5 triệu đồng/cái, nhưng giờ bán đồng giá chỉ còn 100.000 đồng…”. Chỉ trong vài giờ livestream, tài khoản này thu hút đến hàng chục ngàn lượt xem và có đến hàng trăm lượt chốt mua hàng.
Tài khoản Facebook có tên “Săn hàng hiệu” lên livestream đầy lôi cuốn: “Các thương hiệu thời trang nổi tiếng CK, Puma, Tommy, Adidas… giảm giá sốc, chỉ có trong vài giờ tương tác thôi các anh chị, ai không chốt thì đừng tiếc vì không có cơ hội thứ hai nhé!”.
Trước hàng ngàn người đang theo dõi, người bán tay cầm một chiếc giày thương hiệu Nike luôn miệng nói “chính hãng 100%” nhưng giá bán chỉ 500.000 đồng/đôi, mua sỉ thì còn rẻ hơn với số lượng bao nhiêu cũng có. Khi hỏi về chứng từ hàng hóa, chị bán hàng cho biết giày được công nhân tại nhà máy sản xuất hàng chính hãng tuồn ra. Người này giải thích thêm: “Nhờ như thế mới giá rẻ nhưng lại đảm bảo chính hãng, không phải hàng fake! Số lượng có nhiều là do đã được dồn hàng lại”.
Tương tự, trên nhiều kênh bán hàng online khác, người bán rao đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, nhưng chất lượng và xuất xứ hàng hóa thì phần lớn không thể kiểm chứng được. Với sự phát triển của công nghệ, TMĐT ngày càng trở nên thuận lợi, nhưng bên cạnh tiện ích, vấn đề chưa thể thông qua được sàng lọc của cơ quan quản lý, là điều rất đáng lo ngại, đặc biệt khi có nhiều người lợi dụng khoảng trống trong kiểm soát hiện nay để “vô tư” buôn bán hàng gian, hàng giả.
Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, trong 9 tháng năm 2020, trên cả nước phát hiện gần 100.000 vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả với tổng số tiền phạt cùng giá trị hàng hóa tịch thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia khẳng định hàng gian, hàng giả bùng phát khó kiểm soát gần đây có phần do kênh TMĐT chưa được kiểm soát, hàng hóa dễ phát tán, tiêu thụ.
Cần giải pháp cấp thiết
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của khách hàng đến tính minh bạch của thị trường cũng như uy tín của các nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Kỳ Minh – Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, hiện có nhiều cá nhân, tổ chức đang lợi dụng TMĐT để kinh doanh bất hợp pháp, buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Điển hình như tháng 7-2020, Tổng cục đã chủ trì bắt kho hàng rộng hơn 10.000m2 tại Lào Cai, thu giữ 160.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ của một tổ chức chuyên bán hàng qua mạng.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cũng đánh giá nền tảng TMĐT đang là nơi nhiều người bán hàng lợi dụng để tiêu thụ, phân phối sản phẩm gian lận thương mại trong đó có hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng cấm. Do đó, cần có giải pháp để vừa thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh này nhằm góp phần vào phát triển kinh tế lại vừa phải có chế tài quản lý để TMĐT phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thế nhưng theo nhiều cơ quan xử lý, thực tế việc ngăn chặn gian lận trên TMĐT hiện nay là rất khó, hết sức nan giải mà cơ quan quản lý chưa thể nào giải quyết. Đơn cử như việc Bộ Công thương đã có yêu cầu các sàn TMĐT, chủ sở hữu website mua bán… siết chặt kiểm duyệt hàng hóa trên mạng, tuy nhiên với các trang tự phát hay mạng xã hội thì ngành công thương chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng chứ rõ ràng không kiểm soát được chúng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để công tác chống hàng gian, hàng giả trên TMĐT hiệu quả, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. “Ngay bây giờ các bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp lý, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, việc phối hợp, hợp tác của đông đảo người tiêu dùng với cơ quan xử lý cũng là yếu tố vô cùng cần thiết trong việc đấu tranh, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” – một chuyên gia nêu ý kiến.