Từ năm 2017, Quảng Ngãi đã thí điểm hai mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo Đề án 712. Tuy nhiên, các mô hình này đều đang chậm tiến độ.
Thực hiện Đề án 712 thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020, Quảng Ngãi đề xuất 3 mô hình và được trung ương phê duyệt 2 mô hình. đó là, mô hình cấp nước uống cho trường học các xã đảo của huyện Lý Sơn và xử lý chất thải rắn quy mô liên xã tại huyện Sơn Hà.
Thiết bị lọc nước nhiễm mặn thuộc dự án Xây dựng mô hình cấp nước uống cho học sinh huyện Lý Sơn đã được lắp đặt.
Các mô hình này bắt đầu triển khai từ năm 2017, với số vốn được hỗ trợ hơn 14,7 tỷ đồng. Theo đó, mô hình cấp nước uống cho học sinh các xã đảo của huyện Lý Sơn được cấp 5,1 tỷ đồng, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư và Nhà máy Xử lý chất thải rắn huyện Sơn Hà, do UBND huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư, được đầu tư 9,6 tỷ đồng. Hiện tại, nguồn vốn bố trí cho mô hình tại huyện Lý Sơn đã đạt 100%. Còn mô hình Nhà máy Xử lý chất thải rắn huyện Sơn Hà, thì năm 2020 đã được bố trí 9,6 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và 960 triệu đồng vốn đối ứng địa phương.
Đối với mô hình cấp nước uống cho học sinh các xã đảo, năm 2019, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH môi trường Việt Thái Sinh (TP.Hồ Chí Minh) thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị dự án. Đến nay, việc thi công cơ bản hoàn thành, nhà thầu đang chuyển giao cho huyện Lý Sơn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ; đồng thời, trình hồ sơ đề nghị chủ đầu tư kiểm tra, xem xét, tổ chức nghiệm thu. Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên tiến độ bị chậm; khi hoàn thành lại rơi vào thời điểm các trường học đóng cửa, việc kiểm tra vận hành hệ thống này không thể thực hiện được.
Riêng dự án Nhà máy Xử lý rác thải rắn huyện Sơn Hà, ngày 31.12.2019, Chủ tịch UBND tỉnh mới cấp chủ trương đầu tư, với quy mô 9 tấn rác/ngày bằng phương pháp đốt. Hiện tại, dự án mới đến công đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường, dự kiến đấu thầu qua mạng vào tháng 7.2020 và thi công, nghiệm thu vào tháng 12.2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các thủ tục hành chính khá phức tạp, nên đến nay dự án chưa đấu thầu.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính đã có văn bản yêu cầu hai chủ đầu tư các mô hình dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2020. Từ đó, đánh giá hiệu quả, để đầu tư nhân rộng trong những năm đến. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tập trung huy động nguồn lực đầu tư dự án môi trường theo hình thức xã hội hóa…