Thể thao điện tử là một lĩnh vực còn khá mới mẻ với xã hội nhưng đang hấp dẫn khá nhiều bạn trẻ đam mê và theo đuổi, vậy công việc này có gì khó khăn?
Game thủ thi đấu eSports chuyên nghiệp đang là một ngành nghề rất ‘nóng’ trong giới trẻ. Ở những khu vực phát triển như Bắc Mỹ hay Trung Quốc, lương của các tuyển thủ hàng đầu thường nằm trong nhóm 0,1% lao động thu nhập cao nhất cả nước kể cả trong mùa dịch Covid-19, theo DotEsports.
Lý do bởi hệ thống các giải đấu eSports ở những quốc gia này đã phát triển đến mức độ hoàn thiện như một môn thể thao tầm cỡ với quy mô đầu tư khủng khiếp và nhà tài trợ đông đảo. Tại Việt Nam, dù đã manh nha phát triển từ khá lâu, nhưng chỉ khoảng 2-3 năm trở lại đây, eSports mới có những bước nhảy vọt đáng chú ý.
Nhiều nhãn hàng tài trợ tìm đến giúp thu nhập của tuyển thủ eSports tăng lên đáng kể.
Chính nhờ sự gia tăng các môn thi đấu eSports kéo theo sự bùng nổ của các nền tảng livestream giúp cho thể thao điện tử ngày càng được dư luận xã hội ở nước ta chú ý. Nhiều nhãn hàng lớn bắt đầu tìm đến các đội tuyển eSports hàng đầu ở Việt Nam, kéo theo đó là đời sống của các tuyển thủ cũng được cải thiện đáng kể.
Từ đây, nhu cầu chiêu mộ các tuyển thủ eSports cũng xuất hiện khiến nhiều người đặt câu hỏi: làm tuyển thủ khó hay dễ, có nên định hướng theo nghiệp game thủ?
Dễ làm quen
Esports xuất phát từ những trò chơi điện tử nên việc tiếp cận là khá dễ dàng, đặc biệt nó phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, trình độ học vấn. Nghĩa là, ngay cả trẻ em cũng có thể thành thạo chơi game nếu được tiếp xúc sớm. Ngược lại, càng già phản ứng càng chậm chạp và khó làm quen với game hơn.
Tiếp xúc game sớm đem lại nhiều lợi thế cho các bạn trẻ. (Trong ảnh: thần đồng Lê Hà Anh Tuấn)
Cũng như những môn thể thao thuần túy, có môn đòi hỏi vận động trí óc nhiều (cờ vua, cờ tướng), có môn ưu tiên phản xạ, tốc độ, sức bền (điền kinh, bơi lội), có môn đề cao tính đồng đội, tinh thần thi đấu (bóng đá, bóng rổ), thể thao điện tử cũng chia ra làm nhiều môn thi đấu khác nhau.
Những người yêu thích hoạt động trí óc có thể tìm hiểu Hearthstone, Teamfight Tactics, Auto Chess. Người đề cao tính cá nhân có thể thử PES, FIFA. Người muốn phát huy tinh thần đồng đội nên chọn League of Legends, Dota 2. Nhìn chung, ngày nay có vô vàn môn eSports để lựa chọn tùy theo độ phổ biến của các môn thể thao ở từng quốc gia.
Khó để giỏi
Giống như những bộ môn thể thao truyền thống, chơi để giải trí và thi đấu chuyên nghiệp là hai câu chuyện hoàn toàn trái ngược nhau. Thể thao điện tử cũng có một lằn ranh giữa hai thái cực như vậy.
Mặc dù luật chơi là cố định, eSports cũng có một sự thay đổi định kỳ và thường xuyên trong lối chơi thịnh hành gọi là meta. Chẳng hạn, bóng đá hơn 10 năm trước là sự thống trị của lối chơi tiki-taka dẫn đầu bởi Barcelona, sơ đồ ba hậu vệ lên ngôi ít năm trước ở Anh và ngày nay gegenpressing của Liverpool tạo nên cuộc cách mạng mới cho môn thể thao vua.
Môi trường eSports vô cùng khắc nghiệt với người thất bại
Các meta thay đổi liên tục trong eSports theo một chu kỳ còn ngắn hơn thế rất nhiều. Chính vì thế, các tuyển thủ luôn phải liên tục tập luyện trên 12 tiếng mỗi ngày, tìm tòi khám phá những cái mới mẻ nhằm trau dồi kiến thức bản thân và không để bị tụt lại phía sau.
Điều này khiến cho số game thủ thi đấu eSports tuy nhiều, nhưng sức ép cao và sự đào thải liên tục khiến cho tuổi đời ngoài 25 đã được xem là già. Bởi khi đó, không chỉ phản xạ mà sức khỏe, ý chí thi đấu và kỹ năng cá nhân cũng bị bào mòn theo thời gian.
Đấy là chưa kể các tuyển thủ còn dễ gặp phải những chấn thương có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cả đời nếu không có chế độ tập luyện, ăn ngủ điều độ.
Esports ở Việt Nam
Thế hệ các bạn trẻ sinh trong khoảng đầu thập niên 2000 trở lại đây đang có những cơ hội tốt để tiếp cận công nghệ, và vì thế thường dễ dàng làm quen với game từ sớm. Đây là điều kiện căn bản để phát triển nếu có định hướng xa hơn trong lĩnh vực eSports.
Khó khăn lớn nhất với các bạn trẻ theo đuổi eSports từ sớm là chưa xác định được đúng phương hướng dù đã có đam mê, có tố chất. Ngoài ra, việc thuyết phục gia đình tạm ngừng học để làm game thủ chuyên nghiệp là không dễ dàng, do eSports không phải tấm vé vàng đảm bảo thành công cho bất cứ ai cố gắng và nỗ lực hết sức mình.
Tuyển thủ giải nghệ có thể làm nhiều công việc khác nhau trong ngành (trong ảnh: Noway và bạn gái Cara)
Tuy nhiên, với nhiều bộ môn eSports đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, đây là cơ hội rất tốt để định hướng phát triển thể thao điện tử một cách nghiêm túc ở Việt Nam. Nếu bỏ lỡ thời cơ vàng để các nước trong khu vực được đầu tư và vượt mặt, rất khó để một môn thi đấu có thể lấy lại phong trào và vươn tầm trở lại, như trường hợp của Dota 1 và Dota 2 ở Việt Nam.
Nhìn chung, làm tuyển thủ eSports là một con đường tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng có thể đem đến cơ hội đổi đời cho những bạn trẻ không may mắn. Xa hơn, người thi đấu eSports chuyên nghiệp hoàn toàn có thể làm công việc hậu trường liên quan trong ngành để ổn định cuộc sống sau khi giải nghệ.
Do đó, làm tuyển thủ eSports ở Việt Nam dễ bắt đầu, nhưng khó ở việc phải thay đổi tư duy ngay từ bây giờ.
Phương Nguyễn