Cả đơn vị quản lý và xã viên thuộc các HTX xe buýt ở TP HCM đều cho rằng đề án quảng cáo trên thân xe buýt hiện tại chưa sát thực tế
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đề án quảng cáo trên thân xe buýt được UBND TP HCM phê duyệt năm 2017, nếu quảng cáo thành công trên tất cả 1.200 xe buýt, có thể thu về 135 tỉ đồng/năm. Thế nhưng qua nhiều lần đấu giá quảng cáo không thành công, nguồn thu từ việc quảng cáo trên thân xe buýt chỉ đạt 58,3 tỉ đồng/năm. Do đó, đề án này phải dừng để xây dựng đề án mới hiệu quả hơn.
Tiếng nói của người trong cuộc
Lý giải thêm việc phải xây dựng đề án mới, Sở GTVT TP cho biết ở đề án cũ, 6 lần đưa ra đấu giá các gói thầu thì 5 lần thất bại dù Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã chia nhỏ gói thầu, cho doanh nghiệp (DN) tự chọn các tuyến để quảng cáo… Sở này cũng nhìn nhận trong quá trình thực hiện đề án có nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến vấn đề đầu tư phương tiện của các đơn vị vận tải, công tác bàn giao tiếp nhận xe buýt để quảng cáo trên thân xe và tình hình thay đổi đơn vị đảm nhận hoạt động tuyến buýt thuộc gói thầu quảng cáo.
Trong khi đó, các chủ xe lại cho rằng việc thay mới phương tiện xe buýt rất chậm là vì họ không cáng đáng được vốn và lãi vay ngân hàng; quảng cáo cũng chưa thực sự thu hút chủ xe vì không mang lại lợi nhuận cho chính họ.
Là một trong những chủ xe tham gia đề án quảng cáo trên thân xe buýt từ cuối năm 2017, ông Nguyễn Văn Quý, chủ xe tuyến 14, ngán ngẩm nói: Xe buýt để không làm gì nên khi nhà nước có chủ trương quảng cáo trên thân xe để thu về một khoản cho ngân sách, chúng tôi ủng hộ ngay nhưng thực tế 3 năm nay, việc quảng cáo đã tạo gánh nặng cho chủ xe. Ông Quý nói ông có 8 xe buýt đầu tư mới chạy tuyến 14 được chọn dán quảng cáo lên thân xe, tiền quảng cáo nộp hết cho ngân sách, chủ xe không được gì, trái lại cứ xong một đợt quảng cáo thông thường 3-6 tháng tùy nhãn hàng, đơn vị quảng cáo tháo decal cũ, dán decal mới là ông phải bỏ tiền sơn phết lại một vài xe bị tróc sơn. “Cách đây vài tháng, tôi phải tốn 20 triệu đồng để sơn lại một chiếc xe do tróc sơn nhiều quá” – ông Quý nói.
Theo ông, thời gian tới, nếu triển khai quảng cáo trên thân xe buýt, TP nên xem xét trích lại một phần cho chủ xe để tu bổ, quản lý, chăm sóc xe tốt hơn.
Khác với ông Quý, ông Trần Hữu Nhàn, chủ 7 chiếc xe chạy tuyến số 5 không trợ giá nên tự thỏa thuận giá với đơn vị quảng cáo. Xe chạy tuyến đối lưu giữa TP HCM và tỉnh Đồng Nai nên giá thuê thân xe không cao, khoảng 28 triệu đồng/xe/năm. “Có thêm tiền thì tốt nhưng cũng không ít phiền phức. Một chiếc xe mang ra quảng cáo kéo theo trách nhiệm chủ xe với nhà quảng cáo vì cứ 2-3 tháng, chủ xe phải mang xe ra cho đơn vị quảng cáo đổi decal một lần, có khi đêm hôm nhà quảng cáo tranh thủ xuống dán decal thì chủ xe cũng phải phục vụ. Do đó, nếu đề án quảng cáo ở TP HCM tiếp tục triển khai, ngoài phải trích lại % cho chủ xe ở các tuyến có trợ giá để khuyến khích họ có trách nhiệm tu bổ, giữ gìn hình ảnh quảng cáo thì cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc chia nhỏ gói thầu. Riêng tôi thì thấy mỗi gói thầu chỉ chừng 20-30 xe để nhà quảng cáo dễ tham gia” – ông Nhàn đề xuất.
Nên đa dạng cách mời gọi
Tâm huyết với đề án quảng cáo trên thân xe buýt ngay từ những ngày đầu thai nghén, ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP), cho biết quảng cáo là một nguồn thu quan trọng trong bất cứ hệ thống vận tải hành khách công cộng nào. Như ở TP Lyon – Pháp, hằng năm khoản thu này đã giúp giảm giá vé đi lại của hệ thống vận tải hành khách công cộng khoảng 3%-5%. Chỉ tiếc TP HCM đã quá chậm trong việc này và khi cho phép thì thời cơ đã không còn nhiều nữa vì nhiều loại hình quảng cáo khác xuất hiện, trong khi cách làm để thu hút quảng cáo trên thân xe buýt của đề án lại không theo kịp thực tế.
Theo ông Tính, việc Sở GTVT trình UBND TP tạm ngưng quảng cáo trên xe buýt để xây dựng phương án mới là việc có thể hiểu được. Để thu hút DN tham gia quảng cáo trong thời gian tới, UBND TP nên ủy quyền cho Sở GTVT tự quyết định, dưới sự giám sát của Sở Tài chính khi thực hiện đề án trên. Đồng thời mạnh dạn cho áp dụng cơ chế trích phần trăm để lại cho DN, HTX và cả Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để phối hợp với chính quyền sở tại duy trì phần an ninh – trật tự – vệ sinh cho các trạm dừng, nhà chờ. Thậm chí, ưu tiên tỉ lệ phần trăm cao hơn cho DN, HTX để họ tự tìm khách hàng quảng cáo trên phương tiện của đơn vị mình.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP, cho rằng có 3 vấn đề cần lưu ý trong thời gian xây dựng lại đề án mới. Thứ nhất, xem xét giảm giá các gói thầu quảng cáo cho phù hợp tình hình thực tế. Kế đến, tối ưu hóa luồng tuyến với phương tiện tham gia quảng cáo là phương tiện mới và hoạt động ổn định trên tuyến. Cuối cùng, ông đồng tình với đề xuất nghiên cứu trích lại % cho chủ xe, DN cũng như Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để khuyến khích, hỗ trợ các khoản kinh phí cho các đơn vị này giữ gìn tốt phương tiện, trạm dừng, nhà chờ, còn tỉ lệ phần trăm trích như thế nào phải có đánh giá, khảo sát cụ thể.
Kết thúc vào ngày 2-1-2021
Thời điểm đề xuất kết thúc đề án vào ngày 2-1-2021 được Sở GTVT TP HCM đưa ra là do tương ứng với thời điểm kết thúc Hợp đồng 1051 ngày 24-11-2017 được ký kết giữa Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Công ty TNHH Koa-Sha Media Việt Nam (đơn vị duy nhất trúng đấu giá quảng cáo xe buýt sau 6 lần đấu giá). “Sở GTVT sẽ chủ động nghiên cứu, báo cáo UBND TP về việc xây dựng lại đề án “Quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt) trên địa bàn TP” vào thời điểm phù hợp” – văn bản của Sở GTVT TP nêu rõ.