Lai Châu, vùng đất nơi địa đầu của Tổ quốc với 20 dân tộc anh em cùng chung sống. Tuy ‘miền núi chưa thể bắt kịp miền xuôi’ nhưng lại có tinh thần cố kết cộng đồng cao cùng quyết tâm ‘hòa nhập không hòa tan’ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đó là lí do trên hành trình ngược ngàn Tây Bắc, du khách không nên bỏ lỡ điểm dừng chân này.
Không chỉ chiếm tỷ lệ dân số lớn nhất toàn tỉnh, hiện nay, đồng bào Thái ở Lai châu vẫn giữ vẹn nguyên bản sắc văn hóa vốn có. Trong ảnh: Phụ nữ Thái Trắng Phong Thổ với điệu múa “Mùa dệt”.
Bởi:
“Về Lai Châu mùa trăng soi sáng
Bóng chiều buông thấp thoáng dáng em
Chợ tình người đẹp êm đềm
Hồn anh lạc lối mây mềm đong đưa…
Đêm buông xuống say sưa câu hát
Bản tình ca bát ngát núi rừng
Chim quyên đang hót bỗng ngưng
Màn hoa ban trắng rạng bừng vách nương”.
Chợ phiên San Thàng – chắc hẳn rất nhiều người có ấn tượng đậm nét với điểm nhấn của văn hóa, du lịch thành phố Lai Châu. Mặc dù khi được hỏi, ngay cả những thế hệ tuổi đã thất thập cũng không có câu trả lời chính xác chợ có từ bao giờ, chỉ biết tên gốc là chợ Tam Đường đất. Tam Đường trong tiếng dân tộc Giấy có nghĩa là ngã ba đường. Thời Pháp thuộc, Tam Đường là địa điểm trung tâm nhất của tỉnh Lai Châu ngày nay. Khi ấy, có các tuyến đường ngựa thồ nối huyện: Phong Thổ, Bình Lư, Than Uyên nên bà con các dân tộc trong vùng chọn làm nơi họp chợ, mua bán, trao đổi sản vật.
Theo thời gian, các tuyến đường được xây dựng mới, khu vực chợ Tam Đường không còn là trung tâm của vùng, bà con lấy tên bản San Thàng làm tên mới. Dù vậy, trong tâm thức của đồng bào các dân tộc địa phương, đến chợ ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa còn gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt văn hóa cộng đồng nên phiên chính, Nhân dân thành phố và các xã lân cận tề tựu về đây như mở hội. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là sản vật do chính bàn tay cần cù của đồng bào trong vùng sản xuất ra: gà, lợn, rau, củ quả, trang phục truyền thống, nông cụ, rượu… Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương, giữa tháng 12/2019, UBND tỉnh có chủ trương cho thành phố tổ chức “Chợ đêm San Thàng” vào tối thứ 7 hằng tuần. Chợ đêm có 3 khu chính: ẩm thực; giải phát; hàng lưu niệm. Du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên với các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa: thắng cố, thịt lợn hun khói, phở chua, bánh bỏng, càng không thể bỏ qua chương trình văn nghệ đậm bản sắc dân tộc của đội văn nghệ bản, tổ dân phố trên địa bàn thành phố biểu diễn; tham gia đốt lửa trại, múa xòe, nhảy sạp… Đây thực sự là điểm nhấn của du lịch thành phố.
Lai Châu có 20 dân tộc anh em, dân tộc Mông đứng thứ 2 trong tổng dân số toàn tỉnh (sau dân tộc Thái). Do sinh sống tập trung và tính cố kết cộng đồng cao nên đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Mông rất phong phú, đặc biệt là lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian. Trước hết phải kể đến Lễ hội Gầu Tào trong dịp đầu xuân năm mới cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình yên. Với những nét đặc sắc trong cả phần lễ (nghi thức mang tính truyền thống) và phần hội (hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao truyền thống: tù lu, đẩy gậy…), Lễ hội đã trở thành trung tâm của mọi lễ hội mùa xuân, bởi không còn là của riêng người Mông mà tất cả đồng bào sinh sống trong vùng đều tham gia, góp công, góp của, góp cả bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hòa trong không khí vui xuân trẩy hội đó không thể thiếu tiếng sáo Mông gọi bạn vang vọng khắp núi rừng đại ngàn, dìu dặt thôi thúc những bước chân nhanh đến với lễ hội.
Nếu người Mông có điểm nhấn là lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống thì người Thái ở Lai Châu lại có những nét riêng độc đáo trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Và, đặc biệt hơn cả là chọc sàn gọi bạn. Tục này có từ lâu đời được đi vào thơ ca, ca khúc chọc sàn là bản tình ca mang đậm nét văn hóa đặc trưng về nét giao duyên của thanh niên dân tộc Thái, lời trao duyên nhẹ nhàng như hơi thở, ấm áp như lễ hội mùa xuân, trắng trong như cánh ban rừng thuần khiết, ở đó tình yêu đôi lứa chớm nở, mở ra chân trời hạnh phúc bền lâu
Nếu có dịp lên Lai Châu:
“Mời bạn về, về với Mường Tè.
Về với nơi thượng nguồn sông lớn.
Ta đón bạn qua bản làng thơ mộng.
Bếp lửa đỏ cá suối, măng rừng bạn cùng ta.
Ngày lễ hội rừng núi nở đầy hoa.
Con suối reo ca hòa cùng điệu nhạc.
Chén rượu thơm ta cứ mải mê hát.
Rộn trống xòe chẳng muốn bạn rời xa”.
Mường Tè không chỉ là nơi sinh sống quần tụ của 10 dân tộc anh em mà hút khách với cảnh sắc hùng vĩ, sắc màu văn hóa đặc sắc của dân tộc Cống, Mảng, Si La, La Hủ, Si La… Trong đó, 3 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ thuộc đồng bào dân tộc đặc biệt ít người. Hà Nhì là dân tộc sinh sống phân bố gần như rộng khắp các xã trong huyện. Tự hào với lịch sử lâu đời, kho tàng văn hóa đặc sắc, những ngôi nhà trình tường san sát, ở đó mãi vang lên câu hát khúc trường ca với nhịp xòe, tiếng trống, nhịp chày mừng vui đánh thức bản làng. Không gian văn hóa đậm bản sắc từ ngôi nhà cổ, tường nhà trình bằng đất sét có 4 mái gần bằng nhau, lợp cỏ gianh với 3 gian, cửa vào ở giữa, trong nhà chia thành 2 ngăn. Xung quanh nhà tô điểm rất nhiều loại hoa; đầy đủ vật dụng sinh hoạt và phục vụ lao động, chăn nuôi; khu rừng nơi cúng bản. Trang phục phụ nữ Hà Nhì có điểm nhấn là chiếc khăn vải được trang trí bằng các đồng bạc với những quả bông làm từ chỉ màu. Tuy nhiên, độc đáo và sặc sỡ nhất là phần cổ, viền áo trước ngực có gắn hàng cúc bạc, xếp thành hình tam giác tạo hình quả đồi, quả núi. Hai bên cánh tay áo từ bả vai được thêu nhiều họa tiết và có trên 20 chiếc cúc bạc.
Cống, La Hủ, Si La là 3 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến có nhiều nét tương đồng, trong đó có văn hóa nông nghiệp. Từ nghi thức lao động sản xuất, sinh hoạt đã hình thành nên nét văn hóa đặc sắc, phong phú, đặc biệt là kho tàng dân ca, dân vũ. Người Cống có điệu gà gáy, chặt gỗ đóng thuyền… người Si La nổi tiếng với điệu hát Nhăm nhăm bơ, bơ lơ… còn người La Hủ lại giỏi trong kinh nghiệm săn bắn, hái lượm. Với truyền thống văn hóa lâu đời, người Cống, Si La và La Hủ đều có hệ thống tri thức dân gian, phong tục, tập quán đa dạng thể hiện rõ nét trong lễ, tết, hội suốt chu kỳ đời người hay chu kỳ nông vụ. Trong cuộc sống mới, cả 3 cộng đồng dân tộc này tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để truyền lại cho muôn đời sau.
Để có cái nhìn tổng quan về bức tranh văn hóa các dân tộc tại Lai Châu, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Tẩn Thị Quế – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Quế khẳng định: Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền nhiều thế hệ thể hiện qua trang phục, tiếng nói, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, cách ứng xử trong gia đình, cộng đồng, làng bản, tri thức dân gian. Đặc biệt, các loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ, kỹ thuật chế tác và sử dụng nhạc cụ; nghề thủ công truyền thống… là tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch văn hóa. Những năm qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nói chung, ngành Văn hóa nói riêng đặc biệt chú trọng khôi phục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa riêng có ấy.
Đến nay, nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co trong nghi lễ của người Thái; Lễ tủ cải của người Dao; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh cũng đã xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với: tri thức dân gian về ẩm thực truyền thống dân tộc Thái, xã Mường So, Phong Thổ; tri thức dân gian về y, dược học Dân tộc Dao huyện Tam Đường và Sìn Hồ; nghệ thuật múa xòe dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè và Phong Thổ.
Ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, phương tiện nghe, nhìn hiện đại ngày càng tác động mạnh mẽ vào môi trường sống của đồng bào các dân tộc, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc văn hóa tốt đẹp ở một số dân tộc đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Xây dựng, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được tỉnh xác định là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển kinh tế, giúp người dân thay đổi tư duy, tích cực làm giàu, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh trong cả giai đoạn mới.