Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, tất yếu phải gắn với các tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, tên thương mại, các vấn đề liên quan đến bí mật kinh doanh, các công thức, bí quyết tạo nên sản phẩm…
Trong khi việc thành lập công ty để kinh doanh từ đầu đòi hỏi nhà đầu tư phải có ý tưởng kinh doanh, sự kiên trì tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng, thì kinh doanh thông qua phương thức nhượng quyền thương mại lại không đòi hỏi quá nhiều về nguồn lực tài chính, lại vừa có thể tận dụng được lợi thế thương hiệu sẵn có của bên nhượng quyền trên thị trường.
Với những ưu điểm trên, nhượng quyền thương mại đang là một trong những mô hình kinh doanh mà các nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn.
Kinh doanh dựa trên mô hình sẵn có, yêu cầu sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của bên nhượng quyền
Hoạt động nhượng quyền thương mại đã được ghi nhận khá sớm trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Thương mại 2005, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định số 08/2018/NĐ-CP với nhiều điểm mới theo hướng nới lỏng hơn và tạo điều kiện để hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam được phát triển nhanh chóng.
Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, thông thường bao gồm 02 chủ thể chính là bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
Có thể hiểu nôm na rằng bên nhượng quyền là thương nhân đã kinh doanh được một thời gian nhất định trên thị trường (ít nhất là 1 năm), đã hình thành nên thương hiệu nhất định, với hệ thống khách hàng sẵn có… và có nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận của mình bằng cách tìm kiếm một/nhiều thương nhân khác, cho phép họ được quyền kinh doanh theo mô hình, cách thức giống với bên nhượng quyền (gọi là bên nhận quyền).
Đồng thời, bên nhận quyền còn được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Các vấn đề liên quan đến việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ có thể được lập thành một mục riêng biệt trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Về phía bên nhận quyền, khi khởi nghiệp với mô hình này, họ chỉ cần xác định lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà mình muốn kinh doanh, tìm kiếm các thương nhân uy tín đang thực hiện nhượng quyền trong lĩnh vực đó để tiếp cận và đàm phán.
Với mô hình nhượng quyền thương mại, không đòi hỏi nhà đầu tư phải có nhiều ý tưởng kinh doanh, cũng như kinh nghiệm quản trị, điều hành hệ thống kinh doanh nhiều. Bởi lẽ, những vấn đề như nguồn nguyên liệu, công thức, hệ thống, quy trình vận hành thông thường đã được bên nhượng quyền xây dựng khá bài bản, những tài sản vô hình như thương hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh đều có thể được bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng, tùy thuộc vào chi tiết thỏa thuận giữa các bên.
Để hoạt động nhượng quyền bảo đảm đem lại hiệu quả cho cả đôi bên, thì trước hết bản thân bên nhận quyền khi tham gia vào hệ thống cũng cần phải nhận thức được rõ rằng phải nghiêm túc tuân theo các quy định, quy trình, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng mà bên nhượng quyền yêu cầu, có như vậy mới góp phần giữ gìn được thương hiệu mà bên nhượng quyền đã tạo dựng và cùng nhau phát triển.
Những yêu cầu về bảo mật trong quan hệ nhượng quyền thương mại cần lưu ý
Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, tất yếu phải gắn với các tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, tên thương mại, các vấn đề liên quan đến bí mật kinh doanh, các công thức, bí quyết tạo nên sản phẩm…
Đặc biệt trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, đa số những chuỗi hệ thống nhượng quyền thương mại tập trung vào những ngành thực phẩm, dịch vụ ăn uống với hàng loạt thương hiệu đã khá quen thuộc với các khách hàng.
Chính vì vậy, một trong những nghĩa vụ mà Luật Thương mại 2005 yêu cầu bên nhận quyền có trách nhiệm tuân thủ đó là phải ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Đồng thời, phải tuyệt đối giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền; nghĩa vụ này không chỉ có hiệu lực trong thời gian các bên thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại, mà còn được áp dụng kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền này đã kết thúc.
Hay nói cách khác, nghĩa vụ bảo mật bí quyết kinh doanh là nghĩa vụ tồn tại, ràng buộc bên nhận quyền mãi mãi, mà không có điểm giới hạn về thời gian kết thúc.
Thậm chí, ngoài những nghĩa vụ luật định như trên, trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thông thường có thể có thêm một số nội dung khác nhằm hạn chế khả năng bên nhận quyền sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ từ bên nhượng quyền sau khi hoạt động nhượng quyền thương mại đã chấm dứt.
Chẳng hạn như: thỏa thuận về việc bên nhận quyền bị hạn chế kinh doanh (không được kinh doanh, tham gia góp vốn vào bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề với bên nhượng quyền trong một thời hạn nhất định sau khi chấm dứt hợp đồng); bên nhận quyền tuyệt đối không được liên hệ với các đối tác của bên nhượng quyền (như nhà cung cấp nguyên vật liệu, bên gia công hàng hóa…); các thủ tục thu hồi tài sản trí tuệ, các quyền liên quan đến tài sản trí tuệ, thủ tục tiêu hủy các tài liệu liên quan đến công thức, bí quyết mà bên nhận quyền đã nhận được.
Theo thống kê trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương cho thấy, hiện có 262 doanh nghiệp nước ngoài (đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau) đã đăng ký nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, phân bố đa dạng ở nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Và con số này có thể tiếp tục tăng cao trong tương lai – đây là cơ hội kinh doanh cho nhiều nhà đầu tư đang muốn khởi nghiệp theo phương thức nhượng quyền thương mại.
Bên cạnh đó, xu hướng của hoạt động nhượng quyền thương mại hiện nay không chỉ hướng đến các công ty, thương hiệu nước ngoài, mà có thể nhận quyền từ chính những doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có lượng khách hàng ổn định và tạo được uy tín nhất định trên thị trường.