Việc tích cực đưa thêm sản phẩm mới và thay đổi tiếp cận kênh phân phối được kỳ vọng sẽ kéo doanh thu – lợi nhuận của doanh nghiệp ngành bia cải thiện hơn trong các tháng cuối năm 2020 và dần phục hồi vào năm 2021.
Nửa đầu năm kinh doanh không thuận lợi
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp ngành bia, nhu cầu đối với bia đã bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020, dẫn tới sản lượng giảm 12,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên dữ liệu phản ánh mức tiêu thụ bia thực tế từ Nielsen Việt Nam cho thấy mức sụt giảm mạnh hơn với 22,6% so với cùng kỳ.
Dù sụt giảm mạnh song nhìn chung sản lượng sản xuất bia đã phục hồi kể từ tháng 5/2020 với mức tăng 60% so với giai đoạn tháng 2 đến tháng 4/2020. Đánh giá từ Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, quý II/2020 là quý xấu nhất đối với ngành bia do chính sách giãn cách xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4, và do các cơ sở kinh doanh đồ uống bị yêu cầu đóng cửa trong thời gian dài hơn các cơ sở kinh doanh khác (giữa tháng 3 đến đầu tháng 6). Các yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh đồ uống như vậy tiếp tục được ban hành tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trong đợt bùng phát dịch bệnh hiện tại.
Với “cú sốc” do dịch bệnh gây ra doanh thu của các “ông lớn” ngành bia như Habeco, Sabeco… đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Cụ thể, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã báo lỗ kỷ lục gần 100 tỷ đồng trong quý I/2020 (cùng kỳ lãi gần 100 tỷ đồng) khi doanh thu thuần chỉ đạt 770 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
Với Sabeco, chỉ tính riêng trong 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3/2020), Sabeco ghi nhận doanh thu chỉ đạt gần 4.910 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu theo quý thấp nhất của Sabeco từ năm 2016 đến nay. Tại Đại hội cổ đông tổ chức cuối tháng 6/2020, ông Neo Gim Siong Bennett – Tổng giám đốc đã thừa nhận rằng 6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn chồng chất khó khăn không chỉ với Sabeco mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, Sabeco đã có khởi sắc trở lại vào tháng 6/2020 khi mức tiêu thụ bia gần như đã phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19. Biên lợi nhuận cao hơn cũng được ghi nhận do công ty này đóng cửa toàn bộ hoặc dừng một phần tại một số nhà máy bia và cắt các khoản đầu tư không thiết yếu. Tương tự, hầu hết các công ty sản xuất bia niêm yết trên sàn chứng khoán đều phục hồi dần kể từ quý II/2020.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Sabeco cũng nhìn nhận hoạt động kinh doanh của năm 2020 chưa thể phục hồi như trước dịch, do đó dự kiến doanh thu năm nay của Sabeco chỉ đạt 23.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 3.252 tỷ đồng, giảm 37% và 39% so với năm 2019.
Trong khi đó, Habeco đặt chỉ tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 4.239 tỷ đồng, bằng 56% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng, tương đương 49% thực hiện năm trước.
Kỳ vọng phục hồi nhờ chiêu thức kinh doanh mới
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, để kéo doanh thu trở lại các công ty bia đã bắt đầu nỗ lực ra mắt các sản phẩm mới theo thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời tập trung nhiều hơn vào các kênh off-trade và kênh thương mại hiện đại.
Có thể kể tới như gần đây, Heineken đã cho ra mắt sản phẩm mới không cồn “Heineken 0.0” tại Việt Nam sau khi Nghị định 100 có hiệu lực. Theo ông Alexander Koch – Giám đốc Thương mại cấp cao của Heineken Việt Nam – xu hướng của người tiêu dùng trên toàn thế giới, cũng như ở Việt Nam đang hướng đến một lối sống cân bằng, lành mạnh hơn. Và Heineken 0.0 mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam một sự lựa chọn mới mẻ cho cho tất cả mọi thời điểm trong ngày, bao gồm cả những thời điểm mà họ vốn không thể thưởng thức bia.
Trong khi đó, Sabeco chưa có kế hoạch sản xuất sản phẩm tương tự, do công ty tin rằng sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn ngành nói chung. Thay vào đó, Sabeco đã giới thiệu sản phẩm khác có tên là “Lạc Việt” nhân dịp kỷ niệm 145 năm thành lập để cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Bia Việt – một sản phẩm của Heineken đã được ra mắt để phục vụ thị hiếu của người Việt Nam kể từ đầu tháng 4/2020.
Với sản phẩm mới ra mắt này, ông Bennett Neo cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang trỗi dậy và trên đà trở thành rồng kinh tế, bia Lạc Việt thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nắm bắt thị hiếu và tinh thần đương đại của Việt Nam đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa và truyền thống của dân tộc.
Về phía Habeco cũng không kém cạnh khi ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới như bia hơi Hà Nội 500ml (đóng lon) và bia hơi Hà Nội 1 lit (đóng chai PET) vào tháng 5/2020 và bước đầu được người tiêu dùng tích cực đón nhận. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa và thị trường 3 sản phẩm mới, sản xuất quy mô Pilot một số bia Craft mới trong các tháng tới.
Riêng với kênh tiêu thụ, theo đại diện của SSI, hiện các công ty bia đã bắt đầu nỗ lực tập trung nhiều hơn vào các kênh off-trade (tiệm tạp hóa và siêu thị) và kênh thương mại hiện đại.
Với sự nỗ lực này, các chuyên gia dự báo, sang năm 2021 ngành bia có thể phục hồi 20% do sự phục hồi từ mức cơ sở thấp ước tính trong năm 2020. Bởi xét cho cùng, mức tiêu thụ bia có thể sẽ phải mất vài năm để phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19 và trước khi ban hành Nghị định 100.