Với 7 nội dung cải cách, trong đó có việc giao cơ quan hải quan là đầu mối, Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được kỳ vọng tạo bước đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Lực lượng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ảnh: Nguyễn Linh
7 nội dung cải cách
Theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, có 7 nội dung cải cách. Bao gồm: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp; bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới. Lộ trình thực hiện giai đoạn I từ năm 2020 đến năm 2023; giai đoạn II từ năm 2023 đến năm 2026.
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết, với đề án trên, doanh nghiệp chỉ tiếp xúc một đầu mối từ khi đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đến khi hàng hóa thông quan, thay vì phải tiếp xúc nhiều đầu mối như hiện nay. Cụ thể, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; quyết định phương thức kiểm tra… Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp quy – giám định thì việc chứng nhận thực hiện tại tổ chức chứng nhận – giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan.
Bên cạnh đó, khi hàng hóa đủ điều kiện sẽ được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm, hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành. Như vậy, mô hình mới giúp cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng và cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm.
Tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 881 tỷ đồng mỗi năm
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay, việc áp dụng đề án này sẽ khắc phục được những tồn tại trong công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay. Đó là tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp (0,03%). Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức vì trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất. Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều (khoảng 70.000 mặt hàng), chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018-2019…
Theo dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, khi triển khai mô hình mới, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm khoảng 54,4%. Khi áp dụng mô hình mới, thời gian kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm giảm khoảng 2/3, tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 881 tỷ đồng.
Chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đề án tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Những cải cách lớn trong đề án giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí lưu kho bãi, giấy tờ cũng như thời gian làm việc với cơ quan quản lý chuyên ngành.
Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) Nguyễn Thùy Dương cho biết, BRG Retail kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống nhập khẩu nên thời gian thông quan rất quan trọng. Thời gian qua, thủ tục hải quan đã thông thoáng hơn nhưng thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành vẫn là 3-5 ngày. Với bước đột phá trên, hy vọng thời gian kiểm tra chuyên ngành sẽ được rút ngắn hơn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Để đề án được thực hiện theo đúng lộ trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan soạn thảo quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để lấy ý kiến các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Dự kiến, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo quy định này trong nửa đầu năm 2021.