Nếu sử dụng quá liều lượng, các hợp chất có trong những mẫu sữa này làm hỏng chức năng thận, đột biến DNA và dẫn đến ung thư.
Theo SCMP, Hội người tiêu dùng Hong Kong (Trung Quốc) vừa báo cáo về trường hợp sai phạm trong thành phần của một số nhà sản xuất sữa bột công thức dành cho trẻ em tại đây.
Cụ thể, cơ quan trên kiểm tra 15 nhãn sữa. Tất cả đều chứa 3-MCPD, chất tạo ra trong quá trình tinh chế chất béo thực vật dưới nhiệt độ cao. Nếu tiêu thụ quá mức, 3-MCPD sẽ làm hỏng chức năng thận và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới.
Các mẫu được phát hiện có từ 13 đến 120 microgam 3-MCPD trên mỗi kg sữa công thức. Chúng đều đáp ứng tiêu chuẩn của FAQ, WHO về phụ gia thực phẩm (quy định tối đa 17,2 microgram/kg). Tuy nhiên, Hội người tiêu dùng Hong Kong vẫn cảnh báo về hàm lượng chất này trong 15 loại sữa bột.
Nguyên nhân đưa ra là dùng lâu dài, 3-MCPD tích tụ gây hại cho cơ thể. Nếu trẻ uống sữa theo lượng khuyến cáo trên bao bì, em bé một tháng tuổi sẽ tiêu thụ 106 gram sữa công thức với lượng 3-MCPD vượt quá mức cho phép. Những trẻ chỉ được nuôi bằng sữa công thức nguy cơ càng cao hơn.
Ngoài ra, sữa công thức cho trẻ sơ sinh của hãng Bellamy’s Organic (Australia) vượt quá giới hạn quy định của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu.
Chất gây ung thư khác là glycidol cũng được tìm thấy trong 9 mẫu sữa. Chất này có thể làm hỏng DNA của tế bào và gây đột biến, dẫn đến ung thư.
Tuy nhiên, Hội người tiêu dùng Hong Kong cũng nói thêm rằng liều lượng chất này ở các mẫu sữa ở trong mức cho phép, chỉ khoảng 1,1-29 microgram/kg. Quy định an toàn thực phẩm của EU tối đa là 50 microgram/kg.
Trước tình hình này, giáo sư Nora Tam Fung-yee, Chủ tịch Hội người tiêu dùng Hong Kong, kêu gọi giới chức đưa ra các quy định và biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho trẻ khi sử dụng 15 loại sữa trên.
Ngoài ra, Hội người tiêu dùng Hong Kong cũng phát hiện sữa Illuma của Wyeth chứa ít lượng vitamin A hơn so với công bố 21,9%. Đây là loại sữa bột công thức đắt nhất trên thị trường tại Hong Kong. Đại diện của Wyeth cho biết điều này có thể xuất phát từ các phương pháp thử nghiệm khác nhau giữa nhà sản xuất và Hội người tiêu dùng.
Lượng vitamin B3 trong sữa cho trẻ của Meiji cũng ít hơn 14% so với chỉ định. Phía Meiji khẳng định họ tuân thủ các quy định do cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu CAC đề ra.
Liên quan sự việc, tối 19/8, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế – cho hay đơn vị này đã có thư gửi cơ quan chức năng Hong Kong để trao đổi thông tin.
Theo ông Phong, quy định hiện hành tại Việt nam chưa có tiêu chuẩn về hàm lượng 3-MCPD trong sữa công thức, chỉ có tiêu chuẩn về hàm lượng của chất này trong nước tương.
Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), mà Việt nam là thành viên, cũng chưa có quy định về 3-MCPD trong sữa công thức.
Hiện Cục An toàn thực phẩm cũng tra cứu thông tin về hàm lượng 3-MCPD trong sữa tại các quốc gia như Mỹ và EU.