Covid-19 đang kéo hàng tỉ người tiêu dùng khắp thế giới vào làn sóng thắt chặt chi tiêu. Chỉ riêng ở Việt Nam, có đến 90% gia đình bị ảnh hưởng thu nhập.
Người dân khắp thế giới đang chi tiêu ít hơn
Khảo sát do AP và Trung tâm Nghiên cứu ý kiến quốc gia (NORC) tại Đại học Chicago (Mỹ) thực hiện cho thấy khoảng 66% người Mỹ chi tiêu ít hơn so với bình thường, trong khi 45% tiết kiệm tiền nhiều hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19. Khảo sát được thực hiện từ ngày 17-20/8 đối với 1.075 người trưởng thành tại Mỹ, với biên độ sai sót khoảng 4,1%.
Dữ liệu thống kê mới nhất về lao động tại Mỹ trong đại dịch Covid-19 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 giảm 9,2% trong số những người da trắng, 12% trong số người gốc Á và 12,9% trong số người gốc Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất nghiệp ở người gốc Phi là 14,6% và không thay đổi so với tháng 6.
Các nền kinh tế châu Âu, vốn được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại sau suy thoái mạnh hơn Mỹ, có thể mất nhiều thời gian hơn để vượt qua những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra. Số liệu do công ty nghiên cứu IHS Markit công bố ngày 21/8 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), dựa trên khảo sát 5.000 công ty tại 19 quốc gia – khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), chỉ đạt 51,6 điểm trong tháng 8/2020 – so với mức 54,9 điểm ghi nhận trong tháng 7. Mốc 50 điểm đánh dấu sự suy giảm hay tăng trưởng.
Cuộc khảo sát cho thấy các công ty đang cắt giảm việc làm trong tháng thứ sáu liên tiếp, với số lượng lao động sa thải lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất. Kinh tế Eurozone suy giảm 12,1% trong quý II/2020.
Nhật Bản hiện có khoảng 2,4 triệu lao động thuộc diện tạm nghỉ việc và nhận trợ cấp của chính phủ. Trên thị trường việc làm, chịu thiệt thòi nhất là nhóm lao động không thường xuyên, trong đó bao gồm những người được trả lương thấp hay làm các công việc bán thời gian. Nhóm này hiện chiếm 38% lực lượng lao động tại Nhật Bản, đồng thời chiếm tới 75% lượng lao động đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn – hai nhóm ngành chịu tác động mạnh từ đại dịch.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 93% lao động trên toàn thế giới hiện đang bị ảnh hưởng của dịch ở các mức độ khác nhau.
Trong quý I/2020, các nước mất tổng cộng khoảng 185 triệu việc làm và trong quý 2/2020 mất khoảng 480 triệu.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, thống kê thất nghiệp chưa bao gồm hàng triệu lao động, đặc biệt là lao động nữ, phải bỏ việc và rời khỏi thị trường lao động để chăm lo cho gia đình trước tác động của đại dịch. Ngoài ra, con số này cũng chưa bao gồm khoảng 4,2 triệu lao động bị ngừng việc, tương đương khoảng 6% tổng lực lượng lao động.
Người dân Việt chọn cách tiết kiệm khi bị giảm thu nhập
Báo cáo khảo sát Niềm tin người tiêu dùng được thực hiện bởi The Conference Board và Nielsen, công bố đầu tháng 8/2020 cho thấy, quý II/2020, người Việt Nam thừa nhận rằng họ đã chi tiêu ít hơn so với quý trước. Xếp sau tiết kiệm, tiền nhàn rỗi của họ được chi cho quần áo mới chiếm 39%, giảm 3% so với quý 1 năm 2020. Theo Nielsen Việt Nam, điều này xuất phát từ việc cắt giảm nhân sự và bất ổn trong công việc của nhiều người dân, làm gia tăng sự lo lắng về thu nhập và tài chính của họ, dẫn tới việc cắt giảm bớt những chi tiêu không cần thiết.
Thông tin từ CBRE Việt Nam, ước tính đến hết năm nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cũng như về sức khỏe.
Hãng nghiên cứu thị trường Ipsos cho biết, khoảng 90% người Việt Nam tham gia khảo sát khẳng định thu nhập trở nên tiêu cực vì sự bùng phát của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội. Gần phân nửa trong số đó bị giảm trên 20% thu nhập, chủ yếu tập trung ở nhóm người lao động phổ thông. Theo Ipsos, thu nhập bị ảnh hưởng khiến thói quen hàng ngày của người Việt Nam thay đổi đáng kể. 17% hộ gia đình thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu. Các khoản bị cắt giảm nhiều nhất là du lịch, ăn uống, quần áo và thiết bị điện tử.
Việc tiếp nhận những hành vi mua sắm khác nhau, theo Ipsos, có thể trở thành thói quen lâu dài trong tương lai. Người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm sản phẩm một cách cân nhắc hơn, chọn những nhãn hiệu không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu mà còn có thể mua sắm dễ dàng, mang đến cảm giác được quan tâm và đồng cảm.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, 31 triệu người Việt bị mất việc hoặc giảm thu nhập vì Covid-19. Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Điều này khiến thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý trước và 279.000 đồng so với cùng kỳ), theo cơ quan thống kê quốc gia.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước – có mức sụt giảm mạnh. Thống kê từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 718.133 tỷ đồng, giảm 3,8% so cùng kỳ năm trước.
Việc kinh doanh bán lẻ khó khăn dẫn tới hàng loạt doanh nghiệp (DN) phải trả mặt bằng buôn bán, tạm ngưng kinh doanh. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ghi nhận có tới 8.102 DN bán buôn – bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Đông Nam bộ là khu vực đứng đầu cả nước về số lượng DN chờ giải thể và số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh.