Trong chiến lược hành động nhằm giảm ảnh hưởng từ đại dịch, lãnh đạo BCG Việt Nam gợi ý, hiện là thời điểm có nhiều cơ hội tốt để thoái vốn cũng như mua thêm doanh nghiệp mới.
Sự vững mạnh của doanh nghiệp trong tương lai phụ thuộc vào hành động từ ngày hôm nay.
Ông II-Dong Kwon, Giám đốc điều hành và thành viên hợp danh, Tổng giám đốc BCG Việt Nam dự báo, mọi nền kinh tế sẽ không quay trở lại bình thường trong sáu tháng tới.
Vị này dựa trên Khảo sát trên 903 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P Global 1200 của BCG cho thấy, trong bốn lần suy thoái gần nhất, có 14% doanh nghiệp vẫn có thể cải thiện mức tăng trưởng lợi nhuận.
Ví dụ, Alibaba đã thúc đẩy thương mại điện tử B2C khi dịch SARS bùng phát. Từ đó làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến.
Từ điểm chung của 14% doanh nghiệp duy trì tăng trưởng, vượt qua các cuộc khủng hoảng nói trên, lãnh đạo BCG Việt Nam rút ra 06 hành động khuyến nghị.
Thứ nhất, lập kế hoạch chiến lược theo tính “luôn sẵn sàng”, phân tích biến động trên thị trường dựa trên dữ liệu thực và đưa ra quyết định nhanh, thay vì kế hoạch định kỳ dài từ 6 tháng đến một vài năm.
“Lập kế hoạch cả về sản phẩm, tối ưu vận hành, hệ thống từ khoảng thời gian trung bình 2 tháng hiện cần được đẩy nhanh hơn, xuống 2 tuần dựa trên hệ thống dữ liệu”, ông Il Dong- Kwon nói và đưa ra hành động khuyến nghị thứ hai liên quan đến truyền thông nhiều hơn mức bình thường vào người lao động cũng như khách hàng.
Từ đó, ngoài kỳ vọng hình thành văn hóa làm việc tốt hơn mà còn đảm bảo thông suốt chiến lược chung với hành động.
Việc truyền thông nội bộ thường bị phân mảnh giữa các phòng ban chức năng. Nhưng với các công ty duy trì đà tăng trưởng tốt trong khủng hoảng, họ đã đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ và không ngừng thúc đẩy liên kết giữa các phòng ban.
Cùng với đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần đánh giá cụ thể danh mục đầu tư và phân bổ nguồn vốn theo nguồn lực hạn chế hiện có.
Việc phân bổ vốn cần được vận hành dưới góc độ là một phương tiện để thúc đẩy tăng trưởng, chứ không chỉ cắt giảm chi phí và phục hồi tài chính.
Mạnh dạn sáng tạo, đột phá lại các mô hình kinh doanh để tái định vị và (hoặc) nắm bắt cơ hội mới cũng là một hành động khuyến nghị để theo đuổi cơ hội phát triển cùng lợi thế cạnh tranh.
Dù công việc đổi mới về sản phẩm đã duy trì định kỳ nhưng còn hàng loạt “mắt xích” liên quan khác cũng phải liên tục định vị lại như phân khúc khách hàng mục tiêu, cấu trúc chi phí, vận hành,…
Ngoài ra, cũng cần nhắc đến quá trình thúc đẩy chuyển đổi số với trọng tâm là tăng trưởng.
Hiện được cho là thời điểm có các cơ hội tốt để thực hiện mua các doanh nghiệp mới cũng như thoái vốn, nếu cần thiết nhằm tập trung vào mảng cốt lõi.
Cụ thể, theo Khảo sát nói trên của BCG, 70% và 73% các nhà đầu tư tin rằng, bây giờ là thời điểm tốt để mua, sáp nhập doanh nghiệp (nhằm củng cố hoạt động kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng) và thoái vốn (nhằm sắp xếp lại mối ưu tiên).
“Sẽ có những doanh nghiệp không chỉ vượt qua được khủng hoảng mà còn trở nên mạnh hơn, so với những năm trước khi đại dịch xảy ra”, ông Il Dong- Kwon dự tính.