Các chuyên gia nhận định giá vàng lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng do đồng USD tăng giá, thị trường chứng khoán Mỹ hụt hơi và hy vọng mờ nhạt về gói cứu trợ mới.
Theo Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 24/9 (giờ Mỹ) trên sàn New York, giá vàng thế giới giao ngay có thời điểm rơi xuống sát ngưỡng 1.850 USD/ounce rồi tăng nhẹ, dao động quanh ngưỡng 1.870 USD/ounce.
Trao đổi với Zing, ông Neil Wilson, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (London), cho rằng một phần nguyên nhân là các nhà đầu tư bán tháo vàng khi cổ phiếu sụt giá.
Theo ông, trên thực tế, nhiều cá nhân và tổ chức vay tiền từ công ty môi giới để đầu tư. Khi chứng khoán trong tài khoản ký quỹ giảm giá, nhà đầu tư nhận được yêu cầu bổ sung ký quỹ và buộc phải nạp thêm tiền hoặc bán tài sản.
“Vậy nên, dòng tiền giờ nhanh chóng chuyển từ vàng sang chứng khoán, nhất là khi nhiều nhà đầu tư đã kiếm lời sau đợt tăng giá vừa qua của kim loại quý”, ông Wilson giải thích.
Thêm vào đó, trong tuần này, chỉ số US Dollar Index (DXY) – đo lường biến động của đồng bạc xanh với sáu đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) – tăng 2%. Các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới của Quốc hội Mỹ cũng bị đình trệ kể từ đầu tháng 8. Trong khi đó, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Pháp, Israel và Anh tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh tế.
“Nếu những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục đẩy đồng USD lên cao, như chúng ta đã thấy ở tuần này. Do đó giá vàng sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn”, ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích tại Commonwealth Bank of Australia, bình luận.
Giá vàng sụt giảm sau khi chạm ngưỡng kỷ lục 2.075 USD/ounce hồi tháng 8 do các chương trình kích thích kinh tế lớn khiến đồng USD suy yếu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết duy trì lãi suất thấp trong dài hạn. Morgan Stanley dự báo thị trường kim loại quý sẽ phục hồi cho đến năm 2021. Đây là thời điểm lạm phát gia tăng và đồng tiền USD suy yếu.
Khi lãi suất thực rơi xuống mức âm, các tài sản trú ẩn an toàn như vàng thu hút giới đầu tư. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 8, lãi suất thực gần như không đổi. Giới chuyên gia cho rằng cần một sự thúc đẩy đáng kể đối với kỳ vọng lạm phát để đẩy lãi suất xuống thấp hơn nữa.
“Tôi cho rằng việc giá vàng giảm về 1.800 USD/ounce là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Marcus Garvey, chiến lược gia tại Macquarie Group, dự đoán.
Các quan chức FED cũng cảnh báo về quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng nền kinh tế cần nhiều sự hỗ trợ hơn. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland (Cleveland FED) Loretta Mester bình luận các gói kích thích là cần thiết vì nền kinh tế vẫn chìm sâu trong suy thoái.
Tuy nhiên, các gói kích thích kinh tế có thể không được đưa ra sớm. Những cuộc đàm phán giờ bị đẩy sang một bên, nhường chỗ cho cuộc chiến lựa chọn thẩm phán mới của Tòa án Tối cao Mỹ sau cái chết của bà Ruth Bader Ginsburg.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là sự kiện có tác động rất lớn đến thị trường kim loại quý. Theo các nhà phân tích của Citigroup, sự gia tăng bất ổn chính trị có thể đẩy giá vàng tăng trong ngắn hạn, thậm chí thiết lập kỷ lục mới vào cuối năm 2020.
“Tôi cho rằng đồng USD sẽ suy yếu hơn nữa do tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Lãi suất thực cũng tiếp tục sụt giảm. Vì vậy, chúng ta có thể chứng kiến giá vàng tăng trở lại, đạt hơn 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay”, ông Neil Wilson tại Markets.com nhận định với Zing.