Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa tiến hành tiêu hủy theo quy định hơn 10 tấn hàng hóa là hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.
Theo đó, lượng hàng hóa tiêu hủy đợt này khoảng 15.000 sản phẩm gồm hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực thẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo các loại, giầy dép các loại, túi xách các loại, phụ tùng và tem nhãn giả nhãn hiệu Honda và Yamaha, bài tây, giấy vệ sinh các loại giả.
Các loại sản phẩm hàng hóa này không đảm bảo lưu thông trên thị trường, được Cục quản lý thị trường tỉnh Gia Lai bắt giữ và tịch thu năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 với giá niêm yết tại thời điểm kiểm tra là gần 750 triệu đồng.
Lượng hàng hóa này được vận chuyển từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đến bãi rác thành phố Pleiku để tiêu hủy. Quá trình tiêu hủy có sự tham gia của Hội đồng tiêu hủy gồm Lãnh đạo Cục, các Phòng, các Đội Quản lý thị trường có sản phẩm, hàng hóa tiêu hủy, đại diện công an, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai.
Hội đồng tiêu hủy đợt hàng này đã tiến hành kiểm đếm số lượng, phân loại sản phẩm, hàng hóa để phân chia địa điểm tiêu hủy cho phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.
Đối với các hàng hóa là hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, như: đồ nhựa, hàng điện tử, đèn pin các loại, mắt kính các loại, gạch ốp tường, đồng hồ giả các loại, loa các loại, bóng đèn các loại, kìm cắt, mũi khoan, kéo các loại, tuýp mở bugi… thì dùng xe lu hoặc dùng búa đập vỡ, làm biến dạng, cán vỡ vụng để tiêu hủy tại sân của Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai.
Đối với hàng hóa là thực thẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo các loại, giầy dép các loại, túi xách các loại, dây nịt các loại, phụ tùng và tem nhãn giả nhãn hiệu Honda và Yamaha, bài tây, giấy vệ sinh các loại, dây điện, hương thắp các loại, mircro các loại, đồ điện các loại, phụ tùng các loại,… hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo lưu thông trên thị trường thì đào hố, dùng xăng, dầu đốt tiêu hủy và lấp đất lại./.