ĐTO – Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc thực hiện Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn (AFSP). Dự án này được triển khai thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp.
Mục tiêu chính của Dự án AFSP tỉnh Đồng Tháp là cải thiện kết cấu hạ tầng phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp từ công đoạn sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu dùng và nâng cao nhận thức, năng lực quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn. Qua đó, nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm, tăng giá trị, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trong các chuỗi giá trị (chăn nuôi, thủy sản, rau, màu…); giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Cao Thăng Bình – Chuyên gia cao cấp nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới, hiện nay, Trung Quốc đang siết chặt các tiêu chuẩn về nhập khẩu nông sản gây nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu rau quả tươi sống của Việt Nam. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu và trong nước, việc thực hiện Dự án AFSP là nhu cầu bứt thiết, góp phần nâng cao chuỗi giá trị của nông sản và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng…
Để triển khai thực hiện dự án tại Đồng Tháp, dự kiến, địa phương sẽ thực hiện một số nội dung như: thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị; xây dựng, nâng cấp cơ sở chế biến, bảo quản, chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hệ thống chợ, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực, thể chế về quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các đối tượng tham gia dự án này bao gồm nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị liên quan. Dự án sẽ được thực hiện trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 4 hợp phần chính.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, thời gian qua, tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp ngành “kinh tế mũi nhọn” này của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa có sự thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường; việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa rõ nét; công tác vận hành hệ thống quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn còn nhiều hạn chế. Với những mục tiêu đề ra của dự án AFSP rất phù hợp với định hướng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, Đồng Tháp mong muốn Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ để tỉnh sớm triển khai thực hiện dự án này. Đồng thời, qua các góp ý của Đoàn công tác, tỉnh sẽ xem xét lại từng chuỗi nông sản phù hợp để đưa vào thực hiện Dự án AFSP…