Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố đã ‘định hình’ sơ bộ diện mạo của TP Thủ Ðức (dự kiến). Ðó là một khu đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, thành phố xanh, thân thiện với môi trường và có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố đã “định hình” sơ bộ diện mạo của TP Thủ Ðức (dự kiến). Ðó là một khu đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, thành phố xanh, thân thiện với môi trường và có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi.
Theo bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố, bộ phận được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao Thủ Ðức, TP Thủ Ðức nằm ở khu vực khá trũng, có khả năng bị ngập nước cao. Thực tế lâu nay cho thấy, nhiều khu vực thuộc địa bàn các quận 2, 9, Thủ Ðức vẫn bị ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Chính vì vậy, giảm ngập và thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những yêu cầu hàng đầu để phát triển đô thị bền vững ở TP Thủ Ðức trong tương lai. Do vậy, nhóm thực hiện đề án hình thành và phát triển TP Thủ Ðức đề xuất dành diện tích 10% đất cho công viên và không gian mở.
Dự kiến, TP Thủ Ðức có diện tích khoảng 21 nghìn ha, cho nên đất dành cho công viên và không gian mở sẽ vào khoảng 2.100 ha. Trong đó, dự kiến một phần ba diện tích làm hồ điều tiết cho các vùng ngập nước; khoảng một phần tư bề mặt diện tích công viên được giữ tự nhiên để nước mưa dễ dàng thẩm thấu xuống đất. Việc giữ đất cho công viên và không gian mở phải được làm ngay, làm rõ trong quy hoạch và có kế hoạch duy trì, bảo vệ thật nghiêm. Cùng với đó, thiết kế đô thị phải hướng tới việc giảm bê-tông hóa vỉa hè, sân bãi…, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để giảm ngập nước hiệu quả hơn.
Về hệ thống giao thông, tuyến metro số 1 (Bến Thành -Suối Tiên) đang dần hình thành, kết nối khu vực phía đông thành phố (TP Thủ Ðức tương lai) sẽ là tuyến vận tải hành khách huyết mạch nối TP Thủ Ðức với khu vực nội thành của TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, sẽ có hàng trăm tuyến xe buýt “xương cá” đưa đón khách từ các nhà ga của metro tới các khu dân cư, khu công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong TP Thủ Ðức.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cùng các quận, cơ quan liên quan đang tiến hành nghiên cứu để hình thành các khu dân cư tập trung, trung tâm thương mại, khu giải trí… tại các nhà ga dọc tuyến metro. Việc này nhằm tái cấu trúc đô thị theo hướng “thu hút” dân để sử dụng đất hiệu quả hơn, qua đó hình thành một mô hình đô thị phù hợp phát triển vận tải hành khách công cộng, loại hình vận tải tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường hơn việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Trong khu đô thị này, người dân có thể đi bộ một cách thuận tiện và an toàn trên vỉa hè, hoặc các lối đi bộ riêng phù hợp điều kiện khí hậu nóng và nhiều mưa của miền nam.
Với mô hình vận tải hành khách kết hợp đồng bộ giữa metro và xe buýt, giữa giao thông và tổ chức đô thị như vậy, thành phố đặt mục tiêu trong 20 năm nữa, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân ở TP Thủ Ðức. Song song với việc tổ chức lại vận tải hành khách công cộng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải… sẽ nghiên cứu phân luồng đi riêng cho xe chở hàng hóa và công-ten-nơ để phục vụ cho hoạt động của cụm cảng Cát Lái. Tỉnh Bình Dương đã đề xuất TP Hồ Chí Minh kéo dài tuyến metro số 1tới tỉnh này. Tỉnh Ðồng Nai có kế hoạch xây dựng cầu Cát Lái nối Ðồng Nai với TP Hồ Chí Minh… Ðây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để TP Thủ Ðức tương lai tăng cường tương tác với các đô thị khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Được như vậy, TP Thủ Ðức tương lai sẽ là động lực cho TP Hồ Chí Minh và cả các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển; là mục tiêu cốt lõi mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố kỳ vọng. TP Thủ Ðức sẽ là một đô thị hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của TP Hồ Chí Minh và khu vực, dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, hợp tác phát triển.