Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn khi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tồn tại 2 đơn vị hành chính cấp huyện cùng tên gọi là huyện Hồng Ngự (thành lập năm 1813) và thị xã Hồng Ngự (thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ huyện Hồng Ngự). Theo Tờ trình, Đề án của Chính phủ sau khi nâng cấp lên thành phố vẫn sử dụng tên gọi thành phố Hồng Ngự.
Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 29 ngày 1-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở nhận thấy các đơn vị đã cơ bản đạt được các điều kiện và tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấ và trình độ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định.
Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn khi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tồn tại 2 đơn vị hành chính cấp huyện cùng tên gọi là huyện Hồng Ngự (thành lập năm 1813) và thị xã Hồng Ngự (thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ huyện Hồng Ngự). Theo Tờ trình, Đề án của Chính phủ sau khi nâng cấp lên thành phố vẫn sử dụng tên gọi thành phố Hồng Ngự.
Trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị quyết số 1211 thì “Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng tên đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh”. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền đề nghị cần làm rõ thêm việc trùng tên thị xã và huyện thì có ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật, ảnh hưởng đến giấy tờ, thủ tục hộ tịch, hộ khẩu của người dân địa phương hay không?.
Phản hồi ý kiến của Đại biểu Bùi văn Xuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho biết, tên gọi Hồng Ngự đã có trong lịch sử hơn 200 năm (bắt đầu được sử dụng từ năm 1813), gắn liền lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
“Năm 2008, khi thành lập thị xã Hồng Ngự, người dân vẫn có nguyện vọng được giữ tên địa danh và từ đó đến nay việc trùng tên không ảnh hưởng đến đời sống hay việc thực hiện các thủ tục hành chính, công tác quản lý của chính quyền địa phương. Hơn nữa, tên gọi Hồng Ngự còn gắn liền với công tác xác định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giữa nước Việt Nam và Campuchia tại các văn bản hoạch định đường biên giới quốc gia và trên hệ thống bản đồ thế giới, nên nếu đổi tên sẽ làm ảnh hưởng rất lớn”, ông Hòa giải thích.
Chia sẻ với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cũng cho rằng tên gọi Hồng Ngự gắn với phân định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia trong thực địa và các văn bên thỏa thuận giữa hai bên, do đó không nên thay đổi tên gọi này.