Bước vào năm thứ 2 thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, những người làm công tác văn hóa sẽ có nhiều hoạt động cụ thể để loại hình nghệ thuật dân gian này được phổ biến hơn đến công chúng.
Kết quả bước đầu
Trên cơ sở những hoạt động đã được triển khai trong năm đầu tiên thực hiện đề án, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các địa phương liên quan đã có đánh giá cụ thể. Theo đó, chúng ta đã phục dựng 1 điểm trò chơi dân gian hô hát bài chòi ở thị xã Ninh Hòa; tập huấn, truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho 40 người ở các xã, phường của thị xã Ninh Hòa; đưa nghệ thuật bài chòi đến với học sinh 15 trường trên địa bàn tỉnh dưới hình thức sân khấu học đường; sưu tầm, biên soạn một số tư liệu về bài chòi; nghệ thuật bài chòi được các địa phương tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Qua thực hiện đề án, địa phương đã thành lập được Câu lạc bộ nghệ thuật bài chòi với 18 thành viên. Hoạt động hô bài chòi của các thành viên câu lạc bộ ở điểm hô bài chòi 9 giàn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Hưng – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết.
Theo ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, những kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án về nghệ thuật bài chòi rất tích cực. Đây chính là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện các nội dung phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trong năm 2021. Mục tiêu chung là đưa nghệ thuật bài chòi trở nên phổ biến hơn trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của người dân các địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến
Thực hiện đề án này trong năm 2021, Bảo tàng tỉnh sẽ tiến hành hoạt động sưu tầm tài liệu, hiện vật về kịch bản bài chòi, các lớp hô, tuồng, tích, nhạc cụ, trang phục của nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa. Việc làm này nhằm bảo quản, trưng bày giới thiệu một cách trực quan về các khía cạnh lịch sử nghệ thuật bài chòi. Tiếp nối thành công của năm trước, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh tổ chức giới thiệu nghệ thuật bài chòi dưới hình thức sân khấu đến học sinh 15 trường THPT và THCS tại các địa phương có di sản bài chòi. Thông qua đó giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Thị xã Ninh Hòa tiếp tục duy trì hoạt động của điểm trò chơi dân gian hô bài chòi giàn để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, cũng như trao truyền, bồi dưỡng nghệ nhân bài chòi. “Chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động hô bài chòi giàn đến các xã, phường, trường học; tổ chức tập huấn, truyền dạy nghệ thuật hô bài chòi để tiến tới thành lập 1 câu lạc bộ hô bài chòi cho lứa tuổi thanh niên. Đồng thời, đưa nghệ thuật bài chòi vào các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ của thị xã”, ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết.
Chung tay vào việc phổ biến nghệ thuật bài chòi, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chịu trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền về di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, đài truyền thanh – truyền hình các huyện, thị xã, thành phố với nội dung và hình thức phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Sở Du lịch cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, phát huy nghệ thuật bài chòi trong môi trường du lịch; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tuyên truyền, sử dụng, khai thác giá trị nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa trong chương trình tour.
Trong năm 2021, các hoạt động phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi nêu trên sẽ được thực hiện với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Hy vọng rằng, từ đây nghệ thuật bài chòi sẽ được biết nhiều hơn, được phổ biến hơn đến người dân và du khách.
Giang Đình