‘Thông tin thành lập TP Thủ Đức sẽ kích thích phát triển thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở và các dịch vụ đi theo cho các khu vực nằm giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu…’
Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp các quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Thông tin này sẽ có tác động thế nào đến thị trường bất động sản của TP.HCM?
Trao đổi với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land đánh giá, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy khu vực phía Đông phát triển xứng với các tiềm năng vốn có.
Khu vực phía Đông là khu vực sôi động nhất và tiềm năng nhất từ xưa tới giờ ở TP.HCM, khu vực này quy tụ nhiều chủ đầu tư lớn, các dự án phát triển ở khu vực này khá nhiều. Tỷ trọng khu Đông so với tổng thị trường ở TP.HCM chiếm khá cao…
Chủ trương của thành phố phát triển các khu đô thị sáng tạo, là trung tâm hành chính kinh tế – xã hội mới của thành phố ở phía Đông, là nền tảng để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này. Cùng với chiến lược phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực được quan tâm từ trước cũng sẽ tiếp tục được đầu tư và thúc đẩy.
Tuy nhiên, cần phải tái định vị lại khu vực về mặt quy hoạch, định hướng phát triển, nguồn lực đầu tư vào TP Thủ Đức này trong thời gian sắp tới. Đây sẽ là tín hiệu rất tốt cho thị trường bất động sản khu Đông, trên nền tảng sẵn có tiềm năng thì sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Giá bất động sản sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như việc công bố quy hoạch mới của TP khu Đông, sự quan tâm nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như của các chủ đầu tư trong và ngoài nước đổ vào phát triển các dự án theo định hướng quy hoạch mới.
Đặc biệt, vấn đề pháp lý ở khu vực cũng cần được khơi thông thì khu vực này mới đẩy nhanh tiến trình phát triển được.
Bà Hương cho rằng, khi phát triển thành phố mới thì sẽ cần cơ chế đặc thù riêng, với một số chính sách mở hơn cho nhà đầu tư, tạo đòn bẩy để thu hút nguồn lực đầu tư. Điều này phụ thuộc vào các chính sách liên quan của thành phố, cơ chế đặc thù cho khu vực với mục tiêu thúc đẩy việc thu hút nguồn lực, đẩy mạnh tiến độ phát triển của khu Đông.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ kích thích phát triển kinh tế ở khu vực TP.HCM, còn đối với thị trường bất động sản, thông tin này sẽ kích thích phát triển thị trường tại các khu vực xung quanh, bên ngoài TP.HCM.
“Các khu vực tiếp giáp như quận 7, quận 1, quận 3 dư địa phát triển mới không còn nhiều, tuy nhiên việc thành lập TP Thủ Đức sẽ kích thích phát triển thị trường bất động sản, nhà ở và các dịch vụ đi theo cho các khu vực nằm giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn bất động sản có sẵn ở khu vực TP.HCM chắc chắn sẽ tăng giá trị”, ông Đính nhận định.
Song, để đón được các cơ hội đầu tư, ông Đính cho rằng, doanh nghiệp cần định hướng dòng sản phẩm có chất lượng cao hơn, phát triển nâng tầm bất động sản cho phù hợp với định hướng, xu hướng, xu thế sử dụng ở khu vực. Cùng với đó, cần bám quy hoạch để phát triển.
Ông Đính cũng lưu ý rằng, thông tin về đề án lập TP Thủ Đức này chắc chắn sẽ có tác động đến tâm lý tăng giá bất động sản.
“Nếu tăng theo tỷ lệ vừa phải mức vài phần trăm thì được nhưng nếu tăng giật cục tới vài chục phần trăm trong khi chưa có thực tế đầu tư nào thì lại thành “ảo”, “bong bóng”… Điều này lại gây khó cho chính việc phát triển các dự án bất động sản bởi khi “đẩy” giá lên cao thì doanh nghiệp sẽ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Câu chuyện này cũng đã xảy ra ở những địa phương khác khiến chính quyền phải vào cuộc, ra lệnh tạm dừng giao dịch mua bán đất trên thị trường một thời gian để ổn định. Vì thế, đây cũng là những vấn đề của thị trường cần lưu ý ở Thủ Đức”, ông Đính nói.
Minh Thư