ThS. Giáp Thị Lệ (Trường Đại học Văn Lang)
TÓM TẮT:
Báo cáo tài chính có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin đối với nhà đầu tư, các tổ chức quản lý và là điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả và lành mạnh. Chất lượng báo cáo tài chính là mối quan tâm của các đối tượng sử dụng thông tin trên thị trường chứng khoán, nhằm tăng cường chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường. Nhà nước đã có các quy định về hoạt động công bố thông tin và sự minh bạch báo cáo tài chính, tức là có những quy định về chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết vì các thông tin này có ảnh hưởng quan trọng đến tính hữu ích của thông tin và tính minh bạch của thị trường và ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng sử dụng thông tin.
Xác định và đo lường mức độ tác động các đặc điểm của Hội đồng quản trị đến chất lượng báo cáo tài chính tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề cần thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng: Quy mô hội đồng quản trị, thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, thành viên không điều hành trong hội đồng quản trị, tần suất các cuộc họp hội đồng quản trị, quyền kiêm nhiệm có mối quan hệ cùng chiều đến chất lượng báo cáo tài chính. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đã đề xuất một số giải pháp có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Chất lượng thông tin, chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính, đặc điểm hội đồng quản trị, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Giới thiệu
Báo cáo tài chính là có vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin về tài chính của đơn vị, đồng thời các thông tin này rất hữu ích cho việc đưa ra các quyết định kinh tế (FASB, 1999; IASB, 2008). Thông tin này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà cung cấp vốn và các bên liên quan khác trong việc đưa ra các quyết định đầu tư, tín dụng và phân bổ nguồn lực nhằm cải thiện hiệu quả của thị trường chung (IASB, 2008). Nghiên cứu về chất lượng báo cáo tài chính nhằm nhằm đảm bảo các cổ đông và công chúng đầu tư có thể tiếp cận thông tin hữu ích và trung thực. Chất lượng báo cáo tài chính ngoài việc cung cấp thông tin cho đối tượng sử dụng, còn giúp cho doanh nghiệp thu hút sự đầu tư bên ngoài, để tăng cường uy tín, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của công ty niêm yết. Đồng thời, chất lượng báo cáo tài chính cũng ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.
Hội đồng quản trị là cơ quan có chức năng hoạch định những chiến lược, giám sát mọi hoạt động của doanh nghiệp. Vai trò của HĐQT ngày càng quan trọng ở các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc nghiên cứu các đặc điểm của Hội đồng quản trị ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính giúp cho các tổ chức, các nhà quản lý thấy được các tác động của Hội đồng quản trị, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo tài chính tại các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất
Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VAS) 21 có nêu về việc trình bày BCTC trung thực hợp lý như sau: “Báo cáo tài chính phải trình bày một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Để đảm bảo yêu cầu trung thực và hợp lý, các báo cáo tài chính phải được lập và trình bày trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định có liên quan hiện hành”.
Theo Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB), các đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích được phân ra thành các đặc điểm chất lượng cơ bản và các đặc điểm chất lượng bổ sung.
– Các đặc điểm chất lượng cơ bản gồm: Thích hợp và trình bày trung thực.
– Các đặc điểm chất lượng bổ sung gồm: Có thể so sánh; có thể kiểm chứng; kịp thời và có thể hiểu.
Đặc điểm hội đồng quản trị tác động đến chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:
– Thành viên độc lập trong hội đồng quản trị
Theo lý thuyết người đại diện, thành viên hội đồng quản trị độc lập sẽ giám sát và kiểm soát các thành viên hội đồng quản trị bên trong công ty, bảo vệ tài sản công ty và hướng các nhà quản lý có trách nhiệm với các bên liên quan quan trọng khác nhau của công ty (Perry và Shivdasani, 2005). Trong khi đó, theo quan điểm quản trị, các thành viên HĐQT độc lập cung cấp những lời tư vấn chuyên sâu, những hướng dẫn có giá trị cho công ty. Theo các nghiên cứu trước cho thấy rằng tỷ lệ thành viên độc lập hội đồng quản trị tác động tích cực đối với chất lượng báo cáo tài chính, giúp giám sát tốt hơn (Cheng and Courtenay, 2006).
Giả thiết H1: Tỷ lệ thành viên không điều hành trong hội đồng quản trị ảnh hưởng cùng chiều với chất lượng báo cáo tài chính.
– Tỷ lệ sở hữu vốn hội đồng quản trị
Việc sở hữu cổ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị là một sự khích lệ. Sự khích lệ này sẽ đảm bảo các thành viên hội đồng quản trị vận hành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và giám sát các giám đốc điều hành một cách cẩn trọng hơn. Vì vậy, việc sở hữu cổ phiếu của hội đồng quản trị sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động công ty. Arman Aziz (2011) đã tìm ra tác động giữa tỷ lệ sở hữu vốn và chất lượng báo cáo tài chính nhất là trong việc công bố thông tin.
Giả thiết H2: Tỷ lệ sở hữu vốn trong hội đồng quản trị có mối quan hệ cùng chiều với chất lượng báo cáo tài chính.
– Tần suất các cuộc họp hội đồng quản trị
Vafeas (1999) lập luận rằng, thời gian cần thiết để thu thập các thông tin nhạy cảm trong việc chuẩn bị cho các cuộc họp hội đồng quản trị làm cho ngày của các cuộc họp trở nên quan trọng. Ban giám đốc đòi hỏi kiến thức nền tảng sâu sắc và cập nhật kịp thời về hoạt động và kết quả của công ty. Do đó, một tần suất cuộc họp cao hơn ngụ ý áp lực lớn hơn với các nhà quản lý trong việc cung cấp thông tin bổ sung. Quan điểm này được hỗ trợ Brick and Chidambaran (2010), những người cho rằng các cuộc họp hội đồng quản trị thường xuyên là một cam kết tiếp tục chia sẻ thông tin với nhà quản lý, từ đó giám sát việc cung cấp thông tin dưới dạng báo cáo tài chính chất lượng hơn.
Giả thiết H3: Tần suất các cuộc họp của hội đồng quản trị có mối quan hệ cùng chiều với mức độ công bố thông tin.
– Tỷ lệ thành viên không điều hành trong hội đồng quản trị
Thành viên hội đồng quản trị không điều hành là thành viên thuộc hội đồng quản trị nhưng không tham gia vào việc điều hành công ty và không có bất kỳ lợi ích nào với công ty. Số lượng thành viên hội đồng quản trị không điều hành có xu hướng gia tăng khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Ngoài ra, theo Shivdasani và Yermack (1996) cho rằng các thành viên hội đồng quản trị không điều hành sẽ làm gia tăng suất sinh lời cho cổ đông và các thành viên hội đồng quản trị không điều hành có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả hoạt động công ty. Những công ty có tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị không điều hành cao hơn sẽ hạn chế được gian lận về báo cáo tài chính do có được sự kiểm soát tốt hơn từ các thành viên hội đồng quản trị không điều hành này số lượng thành viên không điều hành ảnh hưởng cùng chiều tới chất lượng báo cáo tài chính (Cheng and Courtenary, 2006; Barako et al,2006)
Giả thiết H4: Tỷ lệ thành viên không điều hành trong hội đồng quản trị ảnh hưởng cùng chiều với chất lượng báo cáo tài chính.
Quy mô hội đồng quản trị
Đã có nhiều nghiên cứu về tác động đặc điểm của quy mô hội đồng quản trị đến hiệu quả hoạt động công ty. Đa số các tác giả lập luận rằng, ban đầu hội đồng quản trị có quy mô lớn sẽ có những thuận lợi cho công ty trong việc nâng cao chức năng của ban quản trị như việc hỗ trợ tư vấn, giảm chuyên quyền của các nhà quản lý, tận dụng được nhiều mối quan hệ của các thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, khi quy mô hội đồng quản trị tăng lên một mức nào đó, sẽ xuất hiện những tính phi hiệu quả làm ảnh hưởng bất lợi đến những lợi nhuận ban đầu.
Ngoài ra, công ty có quy mô hội đồng quản trị lớn sẽ có nhiều trách nhiệm hơn trong việc quản lý, giám sát và miễn nhiệm những ban điều hành kém hiệu quả. Công ty có quy mô hội đồng quản trị lớn sẽ có nhiều trách nhiệm hơn tác động cùng chiều với chất lượng báo cáo tài chính (Barako et al (2006)).
Giả thiết H5: Quy mô hội đồng quản trị có mối quan hệ cùng chiều với chất lượng báo cáo tài chính.
2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành qua hai giai đoạn chính: (1) Nghiên cứu định tính nhằm xác định mô hình nghiên cứu chính thức và xây dựng thang đo nghiên cứu chính thức cho các nhân tố về đặc điểm của hội đồng quản trị và chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết ở Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; (2) Nghiên cứu định lượng nhằm thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, và kiểm định các giả thiết của mô hình.
Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Theo Tabachnick& Fidell (2007) khi dùng hồi quy bội, kích thước mẫu n nên được tính bằng công thức sau: n ≥ 50 +8p (p: số lượng biến độc lập), số mẫu được chọn trong bài nghiên cứu là 178 mẫu là phù hợp.
Tác giả đề xuất mô hình nghiên đặc điểm của Hội đồng quản trị tác động đến chất lượng báo cáo tài chính tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh như sau:
3. Kết quả nghiên cứu
Sau khi kiểm định độ tin cậy của các thang đo của các biến độc lập và biến pụ thuộc. Tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như sau: (Bảng 1)
Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi qui tuyến tính đa biến
Nguồn: Tính toán từ phần mềm SPSS
Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số R2 – hiệu chỉnh = 0.654> 0.5. Do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.654, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 65.4%.
Bảng 2. Bảng kết quả các trọng số hồi quy
Nguồn: Tính toán từ phần mềm SPSS
Căn cứ vào Bảng 2, phương trình hồi qui tuyến tính bội các nhân tố về đặc điểm của hội đồng quản trị ảnh hưởng đến chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với các hệ số chuẩn hóa như sau:
Y = 0.261X1+ 0.214X2 + 0.273X3 + 0.213X4 + 0.336X5
4. Kết luận
Mục đích của nghiên cứu này là xác định và đo lường mức độ tác động đặc điểm của Hội đồng quản trị đến chất lượng báo cáo tài chính tại các công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
Về kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra được 5 nhân tố đặc điểm của hội đồng quản trị có tác động đến Chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mức độ tác động theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Quy mô của hội đồng quản trị; Tần suất các cuộc họp hội đồng quản trị; Thành viên độc lập trong hội đồng quản trị; Tỉ lệ sở hữu vốn hội đồng quản trị; Tỉ lệ thành viên không điều hành trong hội đồng quản trị.
5. Kiến nghị
Tác giả đề xuất một số các kiến nghị về ảnh hưởng của các nhân tố đặc điểm của hội đồng quản trị đến Chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Thứ nhất, quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán, hành lang pháp lý về nghị định và thông tư hướng dẫn góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý, hoàn thiện các quy định về công bố thông tin, đồng thời đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch đối với đơn vị kế toán và đặc biệt là thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, cần có các quy định về đặc điểm hội đồng quản trị như quy mô, tính kiêm nhiệm, thành viên độc lập trong hội đồng quản trị,…
Thứ hai, các nhà quản lý doanh nghiệp niêm yết kể cả các thành viên hội đồng quản trị cần nâng cao kiến thức về công tác kế toán, bởi chính họ là những người trực tiếp quyết định trong việc thực hiện các quy định trong chuẩn mực kế toán. Các nhà quản lý am hiểu về kế toán góp phần giám sát việc tuân thủ chuẩn mực của bộ phận kế toán tại đơn vị trong việc trình bày và công bố thông tin trên báo cáo tài chính chất lượng hơn.
Thứ ba, đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam còn hạn chế về khả năng phân tích, đọc hiểu nội dung của báo cáo tài chính, đa phần là đầu tư theo nhóm, theo số đông và phong trào cộng với sự thay đổi thất thường của thị trường chứng khoán ở Việt Nam, nên khi đưa ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần thận trọng, hiểu rõ thực trạng doanh nghiệp mà mình dự tính đầu tư. Nhà đầu tư nên tự trang bị cho mình những vốn kiến thức cần thiết cộng với nắm rõ các quy định pháp lý, để hiểu được doanh nghiệp đó công bố thông tin có chính xác. Thường xuyên theo dõi thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm được các doanh nghiệp nào thường xuyên vi phạm quy định công bố thông tin để có thể đầu tư vốn một cách hợp lý.
Thứ tư, bên cạnh việc đưa ra các chính sách pháp luật, Nhà nước cũng cần tăng cường giám sát, quy định rõ chế tài, mức độ xử phạt trong văn bản pháp luật, nhằm nâng cao tính tự giác của các doanh nghiệp niêm yết trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
ARMAN, SAYED AZIZ, PARVANEH KAMALI, and REZA HEIBATI. “The relationship between disaggregated energy consumption and industrial production in Iran.” (2011): 19-46.
Barako, D. G., Hancock, P., & Izan, I. (2006). Relationship between corporate governance attributes and voluntary disclosures in annual reports: The Kenyan experience. FRRaG (Financial Reporting, Regulation and Governance), 5(1), 1-26.
Brick, I. E., & Chidambaran, N. K. (2010). Board meetings, committee structure, and firm value. Journal of corporate finance, 16(4), 533-553.
Cheng and Courtenay. (2006). Board composition, regulatory regime and voluntary disclosure. The International Journal of Accounting, 41(2006), 262–289.
Perry, T., & Shivdasani, A. (2005). Do boards affect performance? Evidence from corporate restructuring. The Journal of Business, 78(4), 1403-1432.
Tabachnick, B. G., Fidell, L. S., & Ullman, J. B. (2007). Using multivariate statistics (Vol. 5). Boston, MA: Pearson.
Vafeas, N. (1999). Board meeting frequency and firm performance. Journal of financial economics, 53(1), 113-142.
THE IMPACTS OF CHARACTERISTICS OF THE BOARD OF DIRECTORS ON THE QUALITY OF FINANCIAL STATMENTS OF COMPANIES LISTED ON HO CHI MINH CITY STOCK EXCHANGE
Master. Giap Thi Le
Van Lang University
Abstract:
Financial statements play an important role in providing information to investors and management organizations and promoting the sustainable development of the stock market. The quality of financial statements is the top concern of parties on the stock market. In order to enhance the quality of financial statements of listed companies, create the transparency and stabilize the stock market, the Government of Vietnam has promulgated regulations on information disclosure and financial reporting transparency, in other words the quality of financial statements, of listed companies.
It is essential for determining and measuring the impacts of characteristics of the Board of Directors (BoD) on the quality of financial statements of companies listed on the Ho Chi Minh City Stock Exchange. This research’s results show that the size of the BoD, the number of independent members in the BoD, the number of non-executive members in the BoD, the frequency of board meetings and the concurrent positions have positive correlations with the quality of financial statements. Based on this research’s findings, some solutions are proposed to improve the quality of financial statements of companies listed on the Ho Chi Minh City Stock Exchange.
Keywords: Quality of information, quality of financial statements, characteristics of the board of directors, Ho Chi Minh City Stock Exchange.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]