‘Được nhà hảo tâm giúp đỡ một lần có thể là may mắn, nhưng để được giúp lần thứ 2, thứ 3… thì mới gọi là thành công’, Th.S Lê Minh Hiển – Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
12 năm hoạt động tích cực, Phòng Công tác xã hội (CTXH) Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm cầu nối giúp đỡ hàng chục nghìn lượt bệnh nhân nghèo, với tổng số tiền lên tới hơn 116 tỉ đồng.
Riêng năm 2020 dịch bệnh biến động phức tạp, tưởng như sẽ là thách thức to lớn đối với lực lượng cán bộ nhân viên CTXH, nhưng số tiền ủng hộ vẫn lên tới hơn 14 tỉ đồng. Đặc biệt, chỉ trong tháng 12/2020, Phòng cũng đã đón nhận hơn 2,5 tỉ đồng hỗ trợ viện phí cho các bệnh nhân nghèo.
Với suy nghĩ: “Được nhà hảo tâm giúp đỡ một lần có thể là may mắn, nhưng để được giúp lần thứ 2, thứ 3… thì mới gọi là thành công”, Th.S Lê Minh Hiển đã mang đến nhiều ấn tượng trong hoạt động CTXH tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong cuộc trò chuyện đầu năm mới, anh đã “bật mí” với VietNamNet về cách thu hút và “giữ chân” các nhà hảo tâm.
Quy trình làm việc hợp lý, xây dựng niềm tin bằng sự minh bạch
Th.S Hiển cho rằng, cần phải đảm bảo quy trình làm việc hợp lý, từ giai đoạn vận động đến giai đoạn sử dụng số tiền kêu gọi được.
Theo anh, đối với việc vận động viện phí, thông tin về người bệnh được giúp đỡ phải rõ ràng, phải hỗ trợ đúng người cần thiết và đúng thời điểm người bệnh cần. Không chỉ vậy, khi nhận được tiền ủng hộ từ thiện thì phải công khai như thế nào, công khai bao nhiêu lần, để các nhà hảo tâm nắm được và tin tưởng.
Tiếp đến, việc sử dụng số tiền do mạnh thường quân ủng hộ có hợp lý hay không, có được công khai minh bạch hay không cũng là yếu tố để nhà hảo tâm xem xét có nên tiếp tục ủng hộ cho những trường hợp khác trong tương lai nữa.
“Đối với mỗi một bệnh nhân nghèo, Phòng CTXH ngoài việc kêu gọi trực tiếp còn thông qua các cơ quan truyền thông, như Báo VietNamNet. Các nhà hảo tâm ủng hộ cho bệnh nhân xuất phát từ lòng thương dành cho họ. Vì vậy, trong trường hợp sau khi đóng viện phí mà vẫn còn dư, chúng tôi sẽ trao trả lại cho gia đình người bệnh.
Nếu không phải trong trường hợp bất khả kháng, bất cứ ai đến bệnh viện để ủng hộ, chúng tôi đều mời người nhà của bệnh nhân xuống trực tiếp nhận. Việc minh bạch, khách quan như vậy sẽ tránh được tối đa những hiểu lầm không cần thiết, cũng là để xây dựng niềm tin cho Phòng CTXH chúng tôi”, anh Hiển chia sẻ.
Tri ân cũng là hình thức nhắc nhớ đến các nhà hảo tâm
Th.S Lê Minh Hiển đáp lại lời hẹn của tôi vào chiều muộn một ngày tháng Chạp, sau khi anh kết thúc giờ làm việc hành chính.
Anh đang trên đường cùng đồng nghiệp đi thăm và chúc Tết các nhà hảo tâm thân thiết của Bệnh viện Chợ Rẫy trong nhiều năm qua. Vị Trưởng phòng bày tỏ, hoạt động tri ân này đã được bệnh viện tổ chức nhiều năm nay.
Nếu việc công khai minh bạch quy trình kêu gọi và sử dụng tiền từ thiện là cách để xây dựng niềm tin của nhà hảo tâm, thì tri ân còn ý nghĩa hơn thế.
Anh Lê Minh Hiển bày tỏ: “Tri ân chính là một cách nhắc nhớ đến các tấm lòng vàng, đương nhiên phải là sự trân trọng xuất phát từ trái tim. Khi các nhà hảo tâm cảm nhận được và dành cho chúng ta một khoảng nhỏ trong tim thì lúc bệnh nhân cần, các cô bác sẽ sẵn sàng cứu giúp, hơn nữa còn lan tỏa tình yêu thương ấy đi xa hơn”.
“Nhà hảo tâm không tìm ở đâu xa”
“Bệnh nhân nghèo giúp đỡ bệnh nhân nghèo là ngôn từ mà tôi dùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ban đầu nghe tôi nói thì nhiều người không tin, cho rằng tôi nói xạo, nhưng nhiều năm qua nó đã diễn ra và trở thành một điều rất bình thường”, anh Hiển chia sẻ.
Trường hợp gần đây nhất mà anh Hiển ấn tượng là anh P.V.T. (Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn. Câu chuyện về người cha nghèo tìm mọi cách để có tiền nuôi con ăn học đã được lan tỏa và sẻ chia rộng rãi trong cộng đồng, rất nhiều nhà hảo tâm tìm đến bệnh viện để giúp đỡ. Sau khi xuất viện còn được nhận về số tiền lớn, vợ của anh T. đã giúp lại một bệnh nhân nghèo khác đang nằm điều trị tại bệnh viện không chút đắn đo.
Anh Hiển nói: “Bởi họ đã từng rơi vào đường cùng nên rất đồng cảm với những hoàn cảnh như mình. Nhất là những bệnh nhân ở cùng phòng, hoặc cùng khoa. Vì vậy, có nhiều lúc, nhà hảo tâm chẳng cần tìm ở đâu xa”.