Sóng tăng điểm của chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch 25/8 được cộng hưởng từ tin tức lạc quan về phương pháp điều trị Covid-19 và dấu hiệu Mỹ – Trung trở lại đàm phán thương mại.
Áp lực thị trường nguôi bớt, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,35% trong phiên giao dịch 25/8. Ảnh: AFP
Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm mạnh nhất trong các thị trường lớn ở châu Á, với chỉ số Kospi kết thúc phiên tăng 1,58% lên 2.366,73 điểm. Thị trường Nhật Bản hôm nay cũng có phiên giao dịch không kém sắc, với chỉ số Nikkei 225 tăng 1,35% và đạt 23.296,77 điểm trong khi chỉ số Topix đóng cửa với 1.625,23, tăng 1,13%.
Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay ghi nhận những diễn biến trái ngược. Chỉ số Shanghai Composite trượt 0,36% xuống 3.373,58 điểm còn Shenzhen Component đi ngang ở mức 13.669,41 điểm. Trên sàn Hong Kong, sắc đỏ cũng bao phủ với chỉ số Hang Seng giảm 0,26% còn 25.486,22 lúc chốt phiên.
Chứng khoán Australia hôm nay đóng cửa với sắc xanh khi chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,52% lên 6.161,40 điểm. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) nhích 0,23%.
Áp lực thị trường trong phiên hôm nay 25/8 phần nào nguôi bớt khi xuất hiện dấu hiệu Mỹ – Trung trở lại đàm phán thương mại. Hai quan chức cấp cao Mỹ, gồm Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tối qua 24/8 để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước, theo thông báo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Cuộc trao đổi trên cũng được hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã xác nhận.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ, “hai bên ghi nhận những tiến triển và cam kết thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo sự thành công của thỏa thuận”.
Bên cạnh đó, chứng khoán châu Á cũng đón luồng thông tin tích cực khác từ việc điều trị bệnh nhân Covid-19 và vaccine kháng virus này. Theo chân đối tác lớn của Mỹ như United Airlines, một loạt cổ phiếu của các hãng hàng không ở châu Á tăng vọt trong phiên giao dịch 25/8. Đáng chú ý là cổ phiếu ANA Holdings (Nhật Bản) vọt lên 7,18%. Tại Hong Kong, cổ phiếu của China Eastern Airlines tăng 4% trong khi cổ phiếu của China Southern Airlines tăng mạnh hơn với 5,19%. Tăng khiêm tốn với các hãng hàng không khác, cổ phiếu Singapore Airlines lên điểm 3,26%.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê chuẩn việc sử dụng phương pháp truyền huyết tương dưỡng để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, dù các nhà khoa học và quan chức y tế cộng đồng vẫn hoài nghi về hiệu quả của phương pháp điều trị này. Ngoài ra, chính quyền Mỹ được cho là đang xem xét phương án sử dụng vaccine thử nghiệm do Anh phát triển.
Garth Bregman, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Quỹ quản lý tài sản BNP Paribas nhận định: “Tin tức tích cực về phát triển vaccine trong vài tháng qua là một trong những xung lực chính của thị trường chứng khoán. Miễn là những dòng tin tức kiểu này được duy trì, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục mua vào, kể cả là mua theo tin đồn”.
Chứng khoán Mỹ đêm qua có phiên giao dịch khởi sắc. Chỉ số S&P 500 lập đỉnh mới với mức tăng 1% lên 3.431,28 điểm, đánh dấu phiên đầu tiên đóng cửa trên 3.400 điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones cũng tăng bứt tốc 378,13 điểm, tương đương 1,4% để kết thúc phiên giao dịch với 28.308,46 điểm, trong khi Nasdaq Composite cán mốc kỷ lục nhờ tăng 0,6% lên 11.379,72.
Trái lại, thị trường tiền tệ lại chứng kiến đồng bạc xanh rớt giá. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ 93,347 xuống 93,101. Đồng yên Nhật Bản cũng suy yếu còn 106,27 JPY/USD so với mức 105,5 JPY/USD thường thấy tuần trước, trong khi đó đô la Australia cũng không tránh khỏi trượt giá và trao tay 1 AUD/0,7169 USD.
Thị trường dầu mỏ châu Á hôm nay ghi nhận biến động trái chiều. Dầu Brent giao kỳ hạn tăng giá 0,44% lên 45,33 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giao sau trượt nhẹ về mức 42,58 USD/thùng.