6 phiên sụt giảm nhẹ trong tháng 8 không làm giảm đi sự bất ngờ của thị trường, vì cũng giống như thời điểm cuối tháng 3, dịch bệnh lên đỉnh điểm cũng là lúc thị trường chứng khoán bùng nổ.
Nguyên một tháng 8 VN-Index tăng gần 81 điểm cho thấy giới đầu tư không hề lo ngại về làn sóng dịch bệnh lần thứ 2.
Bên cạnh yếu tố dịch bệnh được khống chế tốt, thị trường chứng khoán trong nước cũng được ủng hộ từ diễn biến tăng quá tích cực của các thị trường khác. Tuần cuối tháng 8 cũng là tuần mà chỉ số S&P500 của chứng khoán Mỹ chính thức vượt lên đỉnh cao lịch sử mới khi tăng 3,3% trong 5 ngày. Chỉ số DJA cũng đã san bằng mức giảm kể từ đầu năm 2020 và chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 3% nữa. Trong khi đó VN-Index vẫn chưa chạm tới được đỉnh 900 điểm gần nhất và còn giảm 8,5% so với đầu năm nay và giảm 11,3% so với giao dịch trước khi có dịch Covid-19.
Tuần qua cũng chứng kiến sự hưng phấn đỉnh điểm của tháng 8 khi giá trị giao dịch (cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận) đạt mức cao nhất 4 tuần. Cụ thể, giá trị khớp lệnh trung bình phiên tuần qua đạt 6.241 tỷ đồng và tổng giá trị trung bình ngày đạt 7.804 tỷ đồng. Nếu so sánh theo đơn vị hàng tuần, thì mức giao dịch nói trên rất ấn tượng, chỉ thấp hơn khoảng 22% so với kỷ lục trong tuần thứ 2 của tháng 6/2020 (7.994 tỷ đồng/ngày) – và đó cũng là tuần VN-Index đạt đỉnh 900 điểm.
Với quy mô giao dịch phục hồi trở lại tương đương đỉnh, thị trường cũng đang trải nghiệm sự hưng phấn tương tự. Nếu không có sự hưng phấn cao độ thì sẽ không có kỳ vọng đủ lớn để nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường nhiều như vậy. Thị trường thường xuất hiện những ngày giao dịch với thanh khoản rất lớn sau một chuỗi các phiên tăng liên tục, vì khi đó nhà đầu tư mới nhìn thấy một xu thế đi lên rõ ràng, cộng với tâm lý lo sợ lỡ nhịp.
Thực vậy, thị trường khởi động nhịp tăng tháng 8 này với mức giao dịch rất kém, thậm chí có phiên dưới 3.000 tỷ đồng khớp lệnh cuối tháng 7. Sang tháng 8 VN-Index tăng dần nhưng giá trị cũng chỉ tăng lên mức 4.000-4.300 tỷ đồng/ngày. Tuần qua giá trị trung bình đã vọt lên trên 6.200 tỷ đồng/ngày.
Một tương đồng nữa cũng khá thú vị là thanh khoản gia tăng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước. Giao dịch khớp lệnh hàng ngày được thống kê theo hai khối nhà đầu tư là trong nước và nước ngoài. Tỷ trọng giá trị mua của nhà đầu tư nước ngoài thường giảm đi ở các thời điểm thị trường hưng phấn nhất, đi cùng với tổng giá trị gia tăng mạnh. Điều đó có nghĩa là tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư trong nước tăng lên. Chẳng hạn thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, tỷ trọng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài trong tổng giá trị khớp lệnh sàn HSX trung bình khoảng 10%, thì đến tuần đạt đỉnh (tuần thứ 2 của tháng 6) chỉ còn hơn 7%. Tuần qua, tỷ trọng mua của khối ngoại cũng chỉ khoảng 6,2%.
Sự biến động tỷ trọng nói trên hàm ý rằng nhà đầu tư trong nước đang gia tăng độ hưng phấn và mua nhiều hơn. Trong khi đó khối ngoại lại đang bán ròng khá mạnh tuần qua: Cổ phiếu HSX bị bán ròng 2.884 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ ETF được mua ròng 210 tỷ đồng, cổ phiếu HNX bị bán ròng 18 tỷ đồng, cổ phiếu Upcom bị bán ròng 72 tỷ đồng. Tính chung trong tháng 8, riêng cổ phiếu HSX đã bị bán ròng trên 3.000 tỷ đồng, bao gồm cả các thỏa thuận đột biến tại VHM và CTG. Đặc biệt nếu tính riêng khớp lệnh, HSX bị bán ròng 3.219 tỷ đồng.
Khi thanh khoản của nhà đầu tư nước ngoài không tăng theo thị trường thì động lực sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước. Dòng vốn trong nước phải mạnh thêm để giải quyết hai trở ngại: Thứ nhất là mua hết khối lượng bán ra từ phía nhà đầu tư nước ngoài, điều đã từng xảy ra trong đợt tăng tháng 5 và tháng 6. Thứ hai, mua cao hơn để đẩy giá lên nếu vẫn ủng hộ khả năng tăng tiếp của thị trường. Thời điểm đầu tháng 6 giao dịch kỷ lục 10.000 tỷ đồng vì những người mua vẫn kỳ vọng thị trường sẽ lên cao hơn mốc 900 điểm. Hiện tại cũng vậy, khi VN-Index đã xấp xỉ 880 điểm thì nhà đầu tư mua vào phải kỳ vọng thị trường sẽ vượt 900 điểm. Thời điểm tháng 6 thị trường đạt đỉnh vì nhà đầu tư mua vào giải ngân đạt ngưỡng tối đa về sức mua. Không phải tất cả nhà đầu tư khi đó đều mơ ước thị trường vượt 900 điểm. Lúc này khi VN-Index chỉ còn cách khoảng 20 điểm nữa là đạt đỉnh cũ, sẽ có nhiều nhà đầu tư lặp lại suy nghĩ đó. Vì vậy ngưỡng 900 điểm vẫn sẽ xuất hiện lực chốt lời rất lớn.