Từ năm 1929 cho đến năm 2019, có khoảng 45 năm xảy ra tình trạng một đảng chiếm thế đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện cũng như có chính trị gia thuộc Đảng làm Tổng thống Mỹ.
Ảnh: WSJ
Đối với những nhà đầu tư hiện đang lo lắng về việc thị trường chứng khoán sẽ diễn biến như thế nào trong trường hợp nội bộ chính phủ Mỹ bị chia rẽ hoặc một đảng chiếm ưu thế vượt trội sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng sau, dữ liệu lịch sử sẽ cho thấy họ không đáng phải lo lắng như vậy, theo phân tích mới nhất từ Wall Street Journal.
Thị trường chứng khoán Mỹ thường sẽ vẫn tăng điểm dù đảng nào chiếm ưu thế tại Washington đi chăng nữa.
Cụ thể, từ năm 1929 cho đến năm 2019, có khoảng 45 năm xảy ra tình trạng một đảng chiếm thế đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện cũng như có chính trị gia thuộc Đảng làm Tổng thống Mỹ. Trong những năm này, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 7,45%, theo số liệu của Dow Jones Market Data. Chỉ số tăng trong 30 năm và giảm trong 15 năm.
Trong 46 năm còn lại khi chính phủ Mỹ bị chia rẽ, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 7,26%, chỉ số tăng trong 29 năm, giảm trong 16 năm và có 1 năm không biến động mạnh.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Gateway Investment Advisors, ông David Jilek, nhận xét: “Chúng tôi không khuyến khích bất kỳ ai có động thái gì quá mạnh mẽ, khác biệt trong thời điểm này”. Ông thận trọng cảnh báo bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra trên thị trường tài chính.
Trong lịch sử thị trường tài chính Mỹ thời kỳ hiện đại, các đợt bán tháo sau bầu cử thường khó xảy ra. Trong khoảng thời gian từ ngày bầu cử cho đến ngày nhậm chức (thường rơi vào tháng 1 năm kế tiếp), thị trường chứng khoán Mỹ thường không có quá nhiều biến động.
Năm 1968, năm 1976, năm 1980 và năm 1992, khi Nhà Trắng chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng khác, chỉ số S&P 500 và Dow Jones biến động 3,2% theo mỗi chiều tăng giảm.
Nhìn chung, diễn biến của thị trường chứng khoán trong những kỳ bầu cử gần đây khá khác nhau. Khi Tổng thống Trump chiến thắng đầy bất ngờ vào năm 2016, S&P 500 tăng 6,2% bởi nhà đầu tư kỳ vọng ông sẽ chi tiêu mạnh vào cơ sở hạ tầng, giảm thuế, giảm mạnh các biện pháp điều tiết thị trường sau khi nhậm chức.
Năm 2008, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu căng thẳng, chỉ số giảm 20% trong khoảng thời gian từ ngày bầu cử cho đến ngày nhậm chức bởi chịu tác động từ việc ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.
Năm 2000, chỉ số S&P 500 giảm 6,3% trong cùng khoảng thời gian trên sau cuộc bầu cử gây tranh cãi giữa phó Tổng thống Al Gore và Tổng thống George W. Bush, cựu thống đốc bang Texas.
Dù rằng trong năm nay, khả năng có một cuộc bầu cử gây tranh cãi đã giảm đi đáng kể bởi ông Biden đang dẫn trước khá cách biệt so với Tổng thống Trump, nhiều chuyên gia đang lo ngại về kịch bản của năm 2000 trở lại.
Khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ chịu sự áp đảo của các công ty công nghệ, tuy nhiên giới đầu tư và công chúng Mỹ khao khát có nhà lãnh đạo mới sau bong bóng dot-com. Bất ổn sau bầu cử đã tạo ra những biến động mạnh trên thị trường, theo phân tích của giám đốc điều hành tại quỹ Silvercrest Asset Management, ông Marshall Acuff.
Chỉ số Nasdaq đã có mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với S&P 500 hay Nasdaq sau cuộc bầu cử năm 2000. Ngày giao dịch ngay sau ngày bầu cử năm đó khi mà cả ông Bush hay ông Gore đều không thể có đủ số phiếu đại cử tri để tuyên bố chiến thắng, S&P 500 giảm 1,6%, Dow Jones giảm 0,6% còn Nasdaq mất 5,4%.
Ngày 13/12/2000, khi ông Gore, chỉ số S&P 500 giảm 5%, Dow Jones mất 1,7%, Nasdaq giảm 17% và việc bán không dừng lại ở đây. Trong những năm sau đó, cổ phiếu tài chính thống trị thị trường.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cổ phiếu công nghệ thống trị thị trường và ảnh hưởng lớn dần qua thời gian. Năm 2020, tỷ trọng của giá trị vốn hóa cổ phiếu công nghệ tính trong tương quan thị trường đang tăng chóng mặt, vượt qua cả thời kỳ đỉnh cao dot-com. Năm 2020, chỉ số Nasdaq tăng 28%; S&P 500 tăng 6,9% còn Dow Jones mất 0,6%.
TRUNG MẾN