Chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán 2021 sẽ diễn biến phức tạp, phụ thuộc các yếu tố chính như vaccine phòng COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới.
Thị trường chứng khoán đạt nhiều kỷ lục trong năm 2020 và có những tín hiệu tích cực trong năm 2021.
Tiếp đà tăng trưởng
Chia sẻ với VTC News, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect bày tỏ sự lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán 2021. Theo bà Hiền, GDP 2021 có thể tăng trưởng 7,1% được tiếp sức bởi tăng trưởng 8,8% của ngành chế biến chế tạo và 7,1% của khu vực dịch vụ.
Xuất khẩu tăng tốc với tăng trưởng 12% trong năm 2021 khi tổng cầu phục hồi ở các nước sau khi vaccine được thử nghiệm và sử dụng đại trà.
Đồng Việt Nam nhiều khả năng mạnh lên do thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao.
“Chúng tôi không nhìn thấy áp lực lớn nào lên lạm phát trong năm sau giữa đà tăng của giá dầu khi mà giá thực phẩm đang hạ nhiệt”, bà Hiền nhấn mạnh.
Bà Hiền cũng cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang trên đà phục hồi. Trong bối cảnh COVID-19 tác động tiêu cực đến tất cả ngõ ngách của nền kinh tế, lợi nhuận của VN-Index giảm 9,5% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2020. Dù vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HoSE chỉ giảm 5,9%, tích cực hơn nhiều so với đà sụt giảm trong nửa đầu năm.
“Với đà hồi phục mạnh của kinh tế vĩ mô và mô hình hồi phục chữ V của lợi nhuận thị trường, chúng tôi dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 23% trong năm 2021”, bà Hiền dự báo.
Theo chuyên gia đến từ VnDirect, tiềm năng tăng giá bao gồm thị trường chứng khoán Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021. Và vắc xin COVID-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến.
Trong khi đó, rủi ro giảm giá bao gồm việc kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.
Theo ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, 2021 sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán cả về thanh khoản và điểm số. Tuy nhiên, tốc độ có phần kém hơn với năm 2020 do triển vọng về kinh tế đã được phản ánh vào P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu), dòng tiền đầu tư ổn định hơn khi mặt bằng lãi suất ổn định và tăng nhẹ
Ông Thắng nêu 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2021. Theo đó, kịch bản thứ nhất dựa trên lộ trình vaccine, EPS (lợi nhuận trên 1 cổ phiếu) toàn thị trường tăng trưởng tốt, khoảng lớn hơn 18%, chỉ số VN – Index có thể đạt tới 1.250 điểm.
Kịch bản thứ hai, với những rủi ro mới tác động, EPS tăng từ 15 – 16%, VN – Index có thể điều chỉnh xuống 950 điểm và dao động trong vùng 950 – 1.000 điểm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) năm 2021, kinh tế thế giới vẫn còn rủi ro từ đại dịch COVID-19, từ chiến tranh thương mại và công nghệ.
Bên cạnh đó, địa chính trị phức tạp, khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán…biến động mạnh và khó đoán hơn.
“Chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển thị trường chứng khoán”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Tiềm ẩn rủi ro
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng dù 2020 có những diễn biến phức tạp, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.
“Nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán bùng nổ là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được duy trì ổn định, lãi suất ngân hàng quá thấp, nhiều kênh đầu tư khác lại kém hiệu quả… nên nhà đầu tư dồn tiền nhàn rỗi vào giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận”, ông Long nói.
Theo ông Long, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán cả về thanh khoản và điểm số. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tỉnh táo khi “xuống tiền” để tránh cho mình khỏi hậu quả thua lỗ khi thị trường điều chỉnh mạnh.
“Đầu tư bao giờ cũng dựa trên 3 yếu tố: một là tính an toàn, hai là lợi nhuận và ba là tính thanh khoản. Trong khi thị trường sôi sục như vậy, nhà đầu tư cần phải thận trọng. Nhà đầu tư cần hướng đến chiến lược dài hạn, nghiên cứu kỹ trước khi giao dịch để tránh rủi ro”, ông Long nhận định.
Cùng quan điểm bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng các nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng và quản trị rủi ro danh mục, đồng thời có thể tìm kiếm những cơ hội phù hợp cho bản thân trong thời gian này.
“Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên trang bị kỹ các kiến thức cần thiết để tham dự thị trường, cũng như tham khảo các ý kiến chuyên gia để có thể đầu tư tốt hơn trên thị trường chứng khoán”, bà Hiền nhấn mạnh.