Thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) ngày 11.9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị các đơn vị phát huy sức trẻ, trí tuệ, lòng đam mê và khát vọng cống hiến để góp phần đưa ngành Du lịch vượt qua giai đoạn hiện nay, tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, kinh phí hạn hẹp nhưng thời gian qua Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ lớn mà Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch giao. Trong đó, Viện đã chủ trì xây dựng và hoàn thành đề án Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay. Viện cũng chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, 7 đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho 7 vùng du lịch và nhiều đề án quan trọng khác góp phần thay đổi về chất và về lượng của ngành Du lịch Việt Nam”
Hiện nay, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đang chủ trì xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11.2020.
Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ môi trường, nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về du lịch, tư vấn xây dựng các đề án phát triển du lịch cho các địa phương… cũng được Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện đảm bảo hàm lượng khoa học, có trách nhiệm và sáng tạo.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn báo cáo Thứ trưởng về tình hình hoạt động của Viện thời gian qua
Từ năm 2019, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch được giao kinh phí. Tuy nhiên, định mức phân bổ kinh phí thường xuyên ổn định bộ máy sau khi trừ lương và các khoản đóng góp theo lương trên 1 viên chức tại Viện chỉ đạt 23 triệu đồng/ người/năm (thấp nhất trong các đơn vị sự nghiệp của Tổng cục Du lịch và đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ của Bộ VHTTDL, thấp hơn nhiều so với định mức 54 triệu đồng/ người/ năm trên 1 biên chế theo quy định của Nhà nước).
Để cán bộ, người lao động, nhất là các nhà nghiên cứu, chuyên gia chuyên tâm cống hiến cho ngành Du lịch, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn đề nghị lãnh đạo Bộ, Tổng cục Du lịch quan tâm, chỉ đạo sớm có quyết định giao trụ sở làm việc mới với diện tích phù hợp (có phòng họp, phòng sinh hoạt khoa học, thư viện…), đồng thời hỗ trợ kinh phí chuyển trụ sở, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu tại trụ sở làm việc mới. Đề nghị tăng kinh phí thường xuyên ổn định bộ máy cho Viện; hỗ trợ phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ.
Chia sẻ với những khó khăn của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Thứ trưởng cũng đánh giá cao Viện trong nỗ lực vượt khó, tập trung nguồn lực, sắp xếp bộ máy, ứng dụng công nghệ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là trong năm nay, một năm đầy biến động do dịch Covid-19 nhưng Viện vẫn bám sát 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Du lịch. Từ các cứ liệu nghiên cứu khoa học của Viện đã giúp cho lãnh đạo Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch làm tốt chức năng quản lý nhà nước và hoạch định chính sách về du lịch.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị các cán bộ, người lao động của Viện phát huy sự chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học, theo đuổi đam mê với nghề, tâm huyết và sáng tạo để có những sản phẩm sát với thực tế, có tác dụng trong cuộc sống, tính thực tiễn cao, hỗ trợ cho sự phát triển của ngành. Đồng thời có sự chủ động, sáng tạo và nghiên cứu dựa trên những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước hoạch định kinh tế- xã hội, trong đó có du lịch, trong vòng 5 năm tới để xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học phù hợp nhất, trong điều kiện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có. “Cần nhận thức rõ tri thức khoa học không có biên giới nên cần có sự phối hợp với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước; mở ra những hướng tiếp cận mới để không bị tụt hậu. Viện phải cùng các địa phương tập trung làm quy hoạch sản phẩm ứng dụng phục vụ cho phát triển trung hạn của địa phương và ngành; tham gia vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch…”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng yêu cầu Trung tâm thông tin du lịch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông điểm đến Việt Nam
Làm việc với Trung tâm thông tin du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng Trung tâm đã có nhiều cố gắng và đang làm khá tốt công tác thông tin truyền thông cho ngành, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch và thống kê du lịch. Đặc biệt là việc Trung tâm đã tập trung xây dựng Đề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch thông minh, đưa vào ứng dụng Du lịch Việt Nam, xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; Triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch (TSA) tại Việt Nam theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO)…
Mặc dù được Bộ Chính trị định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng du lịch vẫn chưa được xếp thành một ngành kinh tế độc lập trong hệ thống các ngành kinh tế quốc dân và trong hệ thống tài khoản quốc gia nên không được chính thức tính toán, đo lường để thấy được vị trí, vai trò của du lịch như các ngành kinh tế khác. Số liệu thống kê du lịch cũng chưa thực chính xác, đầy đủ, làm cơ sở cho việc xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, ngay trong năm nay, Trung tâm thông tin du lịch đề xuất với Tổng cục Du lịch, báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL, làm việc với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch đầu tư) để áp dụng bộ tiêu chí, bảng biểu, chỉ tiêu thống kê, phương pháp thống kê, tài khoản vệ tinh du lịch như UNWTO khuyến nghị. Từ đó có tính pháp lý để các ngành, đơn vị liên quan có căn cứ thực hiện.
Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch Lê Tuấn Anh cho biết Trung tâm đang bắt đầu triển khai ứng dụng du lịch thông minh
Với điều kiện khó khăn như hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng không có cách nào khác là thay đổi bắt đầu từ con người và tăng cường ứng dụng công nghệ. Trong đó, cần bám sát Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với 2 nội dung chính là Chính phủ số và đô thị thông minh, quản trị du lịch thông minh, xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể. Từ đó, đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin du lịch phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển. Tiếp tục tập trung vào việc thông tin truyền thông cho ngành giúp quảng bá điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn với khách du lịch nội địa và thị trường quốc tế.