5 doanh nghiệp lớn nhất ngành công nghệ Mỹ bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Facebook tương đương 17,5% giá trị vốn hóa của S&P 500 ở thời điểm tháng 1/2020.
Ảnh: GettyImages
Sự thống trị của cổ phiếu công nghệ Mỹ trong những năm gần đây đã giúp ngành này vượt một ngưỡng quan trọng bởi tổng giá trị vốn hóa của cổ phiếu công nghệ Mỹ hiện được đánh giá cao hơn so với giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường chứng khoán châu Âu, theo thông tin từ bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Bank of America.
Theo CNBC trích dẫn nghiên cứu từ Bank of America, đây là lần đầu tiên giá trị vốn hóa thị trường của ngành công nghệ Mỹ vượt mức 9,1 nghìn tỷ USD, cao hơn giá trị vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán châu Âu, trong đó có bao gồm Anh và Thụy Sỹ.
Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán châu Âu, tính cả Anh và Thụy Sỹ, hiện được ước tính ở mức 8,9 nghìn tỷ USD.
Ngành công nghệ Mỹ được định giá ngày một cao khi mà thị trường Mỹ đang quan tâm nhiều hơn đến các cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn, điều này không khỏi khiến nhiều chuyên gia thị trường vô cùng lo lắng.
5 doanh nghiệp lớn nhất ngành công nghệ Mỹ bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Facebook tương đương 17,5% giá trị vốn hóa của S&P 500 ở thời điểm tháng 1/2020.
Cổ phiếu công nghệ có nhiều biến động mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khiến cho con số này giảm xuống còn chỉ trên 20%. Chỉ riêng Apple hiện đang có giá trị vốn hóa hơn 2 nghìn tỷ USD.
Sự tăng giá của cổ phiếu Amazon có thể được đánh giá ấn tượng nhất trong nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ. Công ty đã hoạt động mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử kể từ thập niên 1990, tuy nhiên sự phát triển bùng nổ của ngành điện toán đám mây đã giúp cho cổ phiếu Amazon tăng điểm nhảy vọt trong thập kỷ qua.
Ở thời điểm ngày thứ Năm tuần vừa rồi, cổ phiếu Amazon tăng khoảng 20 lần so với thời điểm tháng 8/2010.
Việc cổ phiếu ngành công nghệ Mỹ có giá trị vốn hóa cao hơn thị trường chứng khoán toàn châu Âu cũng phản ánh cho mức tăng vô cùng ấn tượng của thị trường chứng khoán Mỹ. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã tăng gần 200%, chỉ số Euro Stoxx 50 của chứng khoán châu Âu tăng 13,4% còn chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng chưa đến 11%.
Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng giá trị vốn hóa thị trường chỉ đo đếm giá trị tính bằng cổ phiếu của doanh nghiệp nhưng không tính đến nợ nần của doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp công nghệ Mỹ có hiện diện kinh doanh rất lớn trên toàn cầu và doanh thu của họ đến từ nhiều khu vực trên thế giới.
Mới đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp về kỷ nguyên lãi suất siêu thấp và chấp nhận lạm phát tăng vượt lên trên ngưỡng mục tiêu 2%. Nhiều chuyên gia kỳ vọng tiền sẽ vào chứng khoán Mỹ nhiều hơn nữa.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo thay đổi định hướng chính sách vào ngày thứ Năm. Theo đó, việc làm và lạm phát sẽ được chấp nhận để tăng nóng hơn trước, như vậy cũng đồng nghĩa với việc lãi suất chuẩn sẽ được duy trì thấp trong thời gian dài hơn so với trước đây.
Fed sẽ vẫn giữ chính sách lạm phát mục tiêu, tuy nhiên sẽ không tăng lãi suất quá nhanh để ngăn lạm phát. Thay vào đó, Fed sẽ cho phép lạm phát tăng lên trên ngưỡng 2% để bù lại cho khoảng thời gian mà lạm phát ở dưới mức đó, điều này phát đi tín hiệu về kỷ nguyên lãi suất siêu thấp sắp tới.
Fed đã bỏ đi chính sách sớm nâng lãi suất nhằm ngăn lạm phát tăng cao, động thái này chắc chắn sẽ khiến cho lãi suất đồng USD tại Mỹ duy trì ở mức thấp trong khoảng thời gian dài, theo tin từ Wall Street Journal.
Trước mắt, nó sẽ không dẫn đến thay đổi đột biến chính sách bởi thực tế Fed đã thực thi những thay đổi này từ trước thông báo vào ngày thứ Năm.
Việc thông báo thay đổi định hướng chính sách này đánh dấu cho một mốc quan trọng. Nếu cách đây 5 năm, Fed áp dụng chính sách này, chắc chắn Fed đã không áp dụng chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu từ cuối năm 2015 sau 7 năm duy trì lãi suất gần 0%.
TRUNG MẾN