Khi nghiên cứu về báo chí truyền thông, tôi hiểu rằng ‘những lá thư thời chiến’ làmột loại hình truyền thông mà cha ông ta đã sử dụng để chuyển tải những thông điệpcuộc sống, tình yêu thương, ý chí và tình cảm của con người, giữa người ở chiếntrường với gia đình bè bạn với quê hương đất nước…
Đọc tác phẩm “những lá thư thời chiến”, (nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn do nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành), tôi xin chia sẻ một cách nhìn về giá trị của “những lá thư thời chiến”, dưới góc nhìn của một người làm công tác nghiên cứu lịch sử báo chí truyền thông.
Giá trị lịch sử
Thứ nhất, những thông tin mang tính thời sự từ chiến trường gửi về đã đến với không chỉ một người nhận mà đến với cộng đồng. Bản chất của báo chí là phản ánh chân thực cuộc sống ở thời điểm thông tin. Với tiêu chí này, “Những lá thư thời chiến” xứng đáng là những trang thông tin đáng quý về cuộc sống chiến đấu ở mọi miền Tổ quốc những năm tháng oanh liệt đó.
Mỗi lá thư là những trang tin từ chiến trường gửi về hậu phương và ngược lại. Trong báo chí, truyền thông, nguồn thông tin đã được xác lập khá đa dạng và phong phú.
Thứ hai, đối tượng công chúng của những thông tin không chỉ là những cá nhân mà hướng tới nhiều người. Ai cũng biết rằng, thời chiến, những lá thư từ chiến trường gửi về đều chứa đựng nhiều thông tin mà cả gia đình, làng xóm và cơ quan, xí nghiệp cùng nhau đọc.
Thậm chí, ở quê tôi, Đài truyền thanh của Hợp tác xã còn đem thư của gia đình đọc trên loa truyền thanh cho cả làng cả xã cùng nghe. Hình thức đó chính là một loại hình báo chí truyền thông hướng đến cá nhân, nhóm người và hướng đến cộng đồng và một phần trong số đó đã được hướng đến đại chúng, mà ngày nay chúng ta còn sử dụng.
Ngược lại, ở chiến trường, những chiến sỹ trong đơn vị cũng truyền tay nhau đọc những lá thư từ hậu phương như những nguồn thông tin quý giá truyền cho họ sức mạnh tinh thần để vượt qua những gian khó.
Thứ ba, giá trị phản ánh chân thực cuộc sống của những thông tin mà những lá thư mang lại dù là từ chiến trường gửi về hay từ hậu phương gửi đi.
Những thông tin đó bao gồm: Trận đánh nào mà tác giả đã tham gia (có những lá thư tường thuật khá tỉ mỉ), số lượng địch bị tiêu diệt, tinh thần chiến đấu của bộ đội ta, tình cảm yêu thương, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương biến thành sức mạnh chiến đấu như thế nào? Những khó khăn gian khổ mà bộ đội ta phải vượt qua? Cả những phút giải lao, giải trí bằng những câu chuyện đùa vui cũng được chuyển tải từ chiến trường về tận hậu phương…
Cuốn sách quý còn sưu tầm những lá thư của những người lính bình thường, rất đời thường. Ở những dạng thông tin khác, cuộc sống chiến trường hay hậu phương cũng luôn hiện ra trong những thông tin mô tả về cuộc sống hàng ngày của những người chiến sỹ mà đôi khi nếu không có những bức thư được sưu tầm trong cuốn sách này thì họ còn ẩn mình vô danh ở đâu đó giữa bộn bề lo toan cuộc sống, cũng như hình ảnh một người anh hùng bình dị vẫn còn lẩn khuất đâu đó hoặc vĩnh viễn chúng ta không bao giờ biết tới.
Hòa quyện giữa báo chí và văn học
Đọc kỹ những lá thư ấy, suy nghĩ về cách mà các tác giả đã sử dụng để viết thư lại thấy gần gũi với những thể loại báo chí hiện vẫn còn đang sử dụng ngày nay.
Ký, ký sự là những ghi chép về sự việc, hiện tượng, về con người trong những hoàn cảnh nhất định. Ở đây, chúng ta nhận thấy có quá nhiều những sự việc, sự kiện, hiện tượng trong nhiều hoàn cảnh chiến trường hay hậu phương được tác giả của những bức thư miêu tả khá tỉ mỉ, chi tiết. Trình tự miêu tả đều tuân thủ theo một quy luật không gian, thời gian. Đó chính là chất ký sự của mỗi tác phẩm, mỗi lá thư.
Thêm vào đó, mỗi sự kiện, sự việc không chỉ được miêu tả đơn thuần mà luôn có sự đan xen những cảm xúc chân thực của một tình cảm đẹp đẽ, lớn lao.
Trong tình yêu thương, trong tình cảm riêng dành cho người yêu, vợ chồng, cha mẹ… luôn có tình yêu quê hương đất nước, luôn có ý thức trách nhiệm với công việc, với nhiệm vụ được giao. Ví dụ, lá thư của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Tấn gửi cho ba mẹ.
Mỗi tên người, tên đất đều rất chân thực và còn mang ý nghĩa giá trị không chỉ đến hôm nay mà còn mãi về sau. Những địa danh được ghi trong thư, đều có thể trở thành một địa chỉ cho những người đồng đội hôm nay tìm nhau.
Thông tin mang tính thời sự
Những thông tin chi tiết, cụ thể, mang tính thời sự nóng hổi ở thời điểm viết thư vẫn còn nguyên giá trị. Lá thư tường thuật lại câu chuyện gặp Bác Hồ của liệt sỹ Công an vũ trang Hoàng Ngọc Bản gửi anh trai đang học ở Liên Xô, bức thư giống như một bài tường thuật vẫn thấy trên báo chí về sự kiện Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Đúng là một bài tường thuật về một sự kiện còn nguyên ý nghĩa. Có đủ cả các thủ pháp của báo chí: quan sát, có thông tin, có miêu tả, có cảm tưởng.
Có cả những thông tin về thời tiết những ngày mưa rừng trong thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao gửi vợ. Anh là một nhà khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông 1967 – 1972”.
Tôi ngưỡng mộ một người trí thức như anh đã đem tri thức ra trận và hơn cả tri thức là sự hy sinh cao cả cho nhiệm vụ, tinh thần của một người con sẵn sàng cống hiến cả sinh mạng mình cho Tổ quốc. Lá thư vợ anh gửi về cho cha, mẹ nói về người chồng vừa cảm động vừa thấm tình đất nước. Họ đã sống và có một tình yêu đẹp cùng sự nghiệp.
Tôi chú ý đến tính chất thông tin đầy chất báo chí của câu chuyện người vợ kể về sự hy sinh anh dũng của anh. Có thể thấy những bài báo như thế viết về những con người dũng cảm như thế trên các tờ báo thời chiến.
Câu chuyện về sự hy sinh của Liệt sỹ Hoàng Kim Giao được người vợ kể lại theo ngôn ngữ và phong cách của một tác phẩm báo chí, nó giống như những bài viết về chân dung vẫn thấy trên báo.
Những chi tiết sinh động cho thấy hình ảnh của một người chiến sỹ, một nhà khoa học cứ dần hiện ra. Cho dù là lá thư của vợ kể về người chồng yêu thương, nhưng ngôn ngữ và cách tiếp cận nhân vật thì thật khách quan, trong sáng.
Còn những thông tin tưởng chừng vô bổ, bởi vì nhiều người nghĩ trong thời chiến mà viết thư thông báo giá đường, giá gạo… thì thật là thừa. Thế nhưng, những thông tin về giá cả thị trường của nơi đóng quân, có phân tích so sánh để người đọc hiểu thêm những giá trị của thông tin mang yếu tố kinh tế đời sống khi đó lại là bằng chứng sống về những thời điểm chỉ có trong thời kinh tế thị trường hiện nay. Đây là thư của ông Trần Ngọc thư viết cho vợ là bà Trần Thị Sinh.
Cái “tôi” của tác giả và cảm xúc của người viết
Dễ nhận thấy cái “tôi” của tác giả trong “Những lá thư thời chiến” được thể hiện bằng tên tuổi có thật của từng nhân vật trong thư. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quát, ta sẽ thấy ẩn hiện đằng sau cái “tôi” cụ thể có tên tuổi ấy vẫn chứa đựng những cái “tôi” chung của những người chiến sỹ cách mạng. Báo chí gọi đó là cái “tôi” nhân chứng. Lá thư của người anh trai nhắc nhở em gái. Lá thư giống như một chỉ thị rất rõ ràng vì nó được đánh dấu 1 (một), 2 (hai), 3 (ba) như những đề mục trong sổ nghị quyết. Và cái “tôi” – người Anh không còn là riêng “anh” và “em” nữa, đó là câu chuyện về cái “tôi” chung của mọi người.
Hầu hết, “Những lá thư thời chiến” đều rất gần gũi với thể loại bút ký hoặc ký sự của báo chí, cái “tôi” tác giả, chính là cái “tôi” nhân chứng chân thực nhất, bởi vì họ chính là người trong cuộc, là người chứng kiến sự việc. Ngay cả những cảm xúc cũng là cảm xúc thực của họ. Ở đây, hiện thực cuộc sống thông qua cái “tôi” nhân chứng hiện ra chân thực rõ ràng và đầy đủ nhất.
Những bài học qua từng thông điệp cụ thể
Những bài học về lý tưởng, về giá trị sống, về chuẩn mực của những giá trị thời đại vẫn hiện ra một cách rất tự nhiên và bình dị. Câu chuyện của một người anh trai khuyên bảo em gái đang học ở Triều Tiên vẫn nguyên giá trị cho ngày hôm nay. Những người yêu nhau trong thời gian khó cũng nêu tấm gương về cuộc sống của người sống có lý tưởng, biết hy sinh cái riêng cho sự nghiệp chung cao cả của Tổ quốc, của nhân dân.
Những tác giả của những lá thư ấy chắc chắn không thể biết có một ngày lại có những người đem những lá thư ấy ra để mổ xẻ, phân tích như việc hôm nay chúng ta đang làm. Vì thế, sự chân thực cứ bộc lộ như một lẽ tự nhiên, không màu mè, hào nhoáng.
Đó là lá thư của những người yêu nhau: “Xa nhau chí vững gan bền”. Lá thư của người chồng Quốc Lam gửi cho vợ là Đinh Thị Lan; lá thư của hai anh em viết cho nhau: “Anh em mình cùng cố gắng trong Đại gia đình vệ quốc”, thư của anh Nguyễn Cường, gửi cho anh trai là Nguyễn Thế Tính.
Giá trị và ý nghĩa của vấn đề giáo dục lý tưởng sống cho thanh niên vẫn toát ra từ những trang sách. Thông điệp thật rõ ràng: Đó là lý tưởng sống cao cả vì mọi người, là sự hy sinh vì sự nghiệp chung của Tổ quốc, là tình yêu trong sáng và nghị lực vượt qua mọi thử thách gian lao, là cách thức đối đầu với những thử thách trước cái chết và trước quân thù, là tình yêu thương nhân ái với cha mẹ, đồng chí đồng nghiệp… và còn nhiều ý nghĩa khác.
Tác phẩm “Những lá thư thời chiến” có nhiều giá trị và ý nghĩa. Các nhà khoa học đã và đang còn phát hiện tìm thấy những giá trị đằng sau từng câu chữ, ngôn từ của những lá thư. Hơn thế nữa, cuốn sách cho người đọc thấy được giá trị của một cách nhìn tổng thể về những con người thời chiến, về những câu chuyện thời chiến… Những giá trị lịch sử của cuốn sách đã được khẳng định. Hơn hết, những dòng thông tin ấy vẫn còn nguyên giá trị thông tin, giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Những lá thư thời chiến chứa đựng đầy đủ những giá trị của những tác phẩm báo chí, truyền thông và mang ý nghĩa vượt thời gian./.