Nhu cầu tiêu thụ khí đốt đã chứng tỏ khả năng phục hồi bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng liệu khả năng phục hồi này kéo dài được lâu? Các chuyên gia Kristy Kramer – Giám đốc nghiên cứu ngành khí toàn cầu, Stephen O’Rourke – Giám đốc nghiên cứu thị trường nguồn cung khí, Murray Douglas – Giám đốc nghiên cứu thị trường khí châu Âu và Lucy Cullen – Chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường khí thiên nhiên và LNG châu Á – Thái Bình Dương của hãng phân tích thị trường Wood Mackenzie đã đưa ra một số dự báo và phân tích thị trường khí trong tình hình mới.
Vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 và sụp đổ giá dầu, năm 2020 được xác định là một năm dư thừa nguồn cung khí đốt trên thị trường toàn cầu. Kỷ lục về dư cung đạt gần 40 triệu tấn trong năm 2019 đã gây áp lực lên giá khí. Vào đầu năm 2020, các hạn chế, giãn cách xã hội liên quan đến đại dịch Covid-19 trên diện rộng đã tác động ngay đến nhu cầu khí đốt.
Tuy nhiên, khi các biện pháp hạn chế, cách ly dần được dỡ bỏ, nhu cầu tiêu thụ khí đã có dấu hiệu phục hồi. Vấn đề đặt ra hiện nay là thị trường sẽ hồi phục như thế nào và những yếu tố nào sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Thị trường khí toàn cầu phụ thuộc lớn vào nền kinh tế toàn cầu
Các chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021 nếu không xảy ra làn sóng đại dịch lần thứ hai. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP toàn cầu khó có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng. Hoạt động kinh tế vẫn sẽ bị hạn chế trong vài năm tiếp theo.
Nhu cầu khí đốt đã được chứng minh là có khả năng phục hồi bất chấp những biện pháp hạn chế, cách ly vì Covid-19. Tiêu thụ khí đốt sẽ tiếp tục phục hồi cùng với nền kinh tế. Tuy nhiên Covid-19 gây lo ngại về triển vọng nguồn cung LNG trong ngắn và dài hạn. Mặc dù có những yếu tố thuận lợi để nhu cầu tiêu thụ LNG tăng trưởng trong trung hạn. Tuy nhiên, động lực nguồn cung LNG đang gặp phải những thách thức lớn. Các dự án LNG đang trong quá trình nghiên cứu triển khai bị đình trệ do đại dịch Covid-19 kéo dài. Điều này khiến tăng trưởng nguồn cung LNG đang chậm lại, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khi một số dự án LNG không nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID).
Triển vọng đầu tư trong bối cảnh thị trường tăng trưởng chậm lại
Kỷ luật là một nguyên tắc then chốt đối với các chiến lược đầu tư. Khi thị trường phục hồi, các nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn bằng cách chi tiêu ít hơn ngay cả khi có những biện pháp kích thích kinh tế. Khi quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra, các nhà phát triển và các nhà tài chính sẽ ngày càng đặt nặng yếu tố rủi ro liên quan biến đổi khí hậu trong các dự án LNG. Điều này sẽ khiến các majors và các công ty dầu khí quốc tế gặp khó khăn hơn trong việc phê duyệt các dự án sau khi phải trải qua thời kỳ căng thẳng kéo dài khi giá dầu duy trì ở mức thấp.
Môi trường đầu tư thay đổi cùng với việc giảm các hợp đồng cung cấp LNG có nghĩa là nhu cầu đầu tư vào LNG sẽ chậm lại trong vòng 2-3 năm tới. Về dài hạn, khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi và tăng trở lại, nhu cầu đầu tư mới sẽ tăng. Không gian thị trường cho những nguồn cung mới sẽ rộng mở hơn vào những năm cuối của thập kỷ tới.
Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tác động như thế nào đến nhu cầu tiêu thụ trong dài hạn?
Nhu cầu khí đốt sẽ tăng trưởng chậm lại trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, tác động đến thị trường sẽ ở mức độ khác nhau theo khu vực địa lý.
Tại thị trường Liên minh châu Âu, Thỏa thuận xanh châu Âu đang đẩy các mục tiêu về khí hậu lên mức cao hơn. Đã có nhiều sự tiến bộ để giảm mục tiêu phát thải CO2, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điện. EU sẽ cần phải hành động mạnh mẽ hơn nếu muốn đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ khí đốt sẽ bị đe dọa đáng kể. Tiêu thụ khí trong lĩnh vực sinh hoạt đối mặt với nhiều rủi ro khi tỷ lệ điện khí hóa tăng. Ngoài ra, khi nhiên liệu hydro tái tạo phát triển, các lĩnh vực tiêu thụ khác sẽ bị đe dọa.
Giá khí thiên nhiên tại thị trường Bắc Mỹ có xu hướng tăng do sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ khí sẽ thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong ngành năng lượng. Nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên tại Bắc Mỹ sẽ đạt đỉnh vào năm 2036. Sau đó, tiêu thụ khí thiên nhiên sẽ được thay thế nhanh bởi các loại nhiên liệu tái tạo.
Các chuyên gia bày tỏ sự lạc quan về sự đi lên của thị trường tiêu thụ khí ở các thị trường châu Á, nơi và năng lượng hỗn hợp, đặc biệt là các thị trường mới nổi vẫn còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu than. Tuy nhiên, sự phát triển xa hơn nhiên liệu hydro, công nghệ thu gom carbon và công nghệ lưu trữ năng lượng và điện khí hóa có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ khí.