Dự án khu đô thị mới Mỹ Hóa và dự án khu đô thị mới Mỹ An cùng nằm tại TP. Bến Tre có tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre vừa công bố 2 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng, tổng diện tích gần 98ha.
Cụ thể, dự án thứ nhất là đầu tư phát triển khu đô thị mới Mỹ Hóa, TP. Bến Tre với tổng diện tích đất sử dụng 48,7ha, tổng chi phí thực hiện dự kiến 738,8 tỷ đồng. Thứ hai là dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới Mỹ An, TP. Bến Tre với tổng diện tích đất sử dụng 48,8ha, tổng chi phí thực hiện dự kiến 785,6 tỷ đồng.
Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 25/9/2020. Theo dự kiến, từ năm 2021 sẽ thực hiện đầu tư 2 dự án và đưa vào khai thác vào năm 2025.
Mục tiêu của các dự án là đầu tư xây dựng khu đô thị mới với chức năng dịch vụ tổng hợp kết nối đồng bộ với các khu chức năng đô thị TP. Bến Tre; hình thành khu đô thị mới kết hợp du lịch với đặc trưng sông nước phù hợp với chiến lược phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh…
Vào tháng 7 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre cũng đã công bố danh mục dự án có sử dụng đất đối với dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới An Thuận, TP. Bến Tre với quy mô dự án là 25,9ha, tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là 744,4 tỷ đồng. Hiện trạng khu đất là chưa giải phóng mặt bằng.
Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng khu đô thị mới với vai trò khu đô thị dịch vụ tổng hợp bao gồm phân khu như: nhà ở, thương mại, các công trình công cộng gắn kết với trung tâm hành chính thành phố Bến Tre. Hình thành khu đô thị mối kết hợp du lịch với đặc trưng sông, nước miền Tây, đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng mới kết hợp với hạ tầng hiện hữu tạo nên hệ thống đồng bộ.
Khu đô thị mới An Thuận có phía bắc giáp với đường Nguyễn Văn Nguyễn, phía nam giáp rạch Cái Cối, phía tây giáp trung tâm hành chính thành phố Bến Tre và phía đông giáp rạch Cái Cối.
Trong một diễn biến khác, vào tháng 4 năm ngoái, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao quyết định công nhận TP. Bến Tre là đô thị loại II.
“Từ nay, TP. Bến Tre được nâng lên một vị thế mới, với sức lan tỏa mạng mẽ, là tiền đề để phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Điều này góp phần quan trọng đưa Bến Tre trở thành một tỉnh phát triển năng động và toàn diện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, Phó thủ tướng nói.
Theo báo cáo của tỉnh, kinh tế Bến Tre tăng trưởng bình quân 7,3% trong 3 năm trở lại đây. Cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ. Cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi nhanh, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh trong nước và thị trường khu vực, quốc tế.
Tại buổi làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vào tháng 7/2020, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đề nghị Bộ trưởng chọn Bến Tre làm tỉnh thí điểm về chuyển đổi số. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 phải trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định một tỉnh, một thành phố, một tổ chức muốn chuyển đổi số thành công, muốn vươn lên mạnh mẽ, quan trọng nhất là vai trò của người lãnh đạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vai trò của người đứng đầu càng quan trọng, quan trọng số một, chứ không phải là nguồn vốn đầu tư lớn hay nhỏ.
Nhắc lại câu chuyện về một thành phố của Thụy Sĩ – nơi từng rất nghèo nhưng nhanh chóng được cả thế giới biết đến nhờ dám ứng dụng rộng rãi công nghệ Blockchain, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý Bến Tre có thể phát triển theo mô hình thung lũng Silicon của Việt Nam về ứng dụng công nghệ.
“Nếu Bến Tre quyết tâm muốn trở thành thung lũng Silicon của Việt Nam theo cách thức thí điểm mạnh mẽ, Bộ sẽ thành lập tổ chuyên trách của Bộ để hỗ trợ tỉnh. Nếu Bến Tre coi chuyển đổi số là bước đột phá để Bến Tre phát triển, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh chỉ cần 2 đến 3 năm là có thể thành công”, Bộ trưởng Hùng nói.