Thị trường chứng khoán ngày 18/8: Mặc dù biên độ giảm của những mã cổ phiếu trụ cột không quá lớn nhưng vẫn kéo lùi VN-Index giảm hơn 3 điểm.
Khép lại phiên giao dịch ngày 18/8, chỉ số VN-Index giảm 3,72 điểm (tương đương 0,44%) xuống 846,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 227,51 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.953 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index kết phiên giảm 0,19 điểm (tương đương 0,16%) xuống 117,02 điểm. Còn chỉ số UPCoM-Index tăng nhẹ 0,22 điểm (tương đương 0,39%) lên 57,09 điểm.
Phiên sáng nay, chỉ số sàn HOSE tiếp tục có những sự giằng co và biến động trong biên độ hẹp do nhóm cổ phiếu trụ cột có sự phân hóa và giao dịch khá ảm đạm.
Bước sang phiên chiều, áp lực bán dần chiếm ưu thế trên thị trường đã đẩy VN-Index nhanh chóng về dưới tham chiếu và lình xinh trong sắc đỏ cho tới khi đóng cửa.
Với mức giảm 1,37% xuống 86.500 đồng/CP, “ông lớn” VIC chính là nhân tố tác động tiêu cực nhất lên VN-Index.
Hai cổ phiếu còn lại trong nhóm họ “Vin” là VHM, VRE cũng lần lượt giảm 0,13% và 1,51%.
Ngoài ra, gây áp lực và kéo lùi chỉ số chung còn có VNM giảm 1,2%, SAB giảm 1,74%, BID 0,78%, CTG giảm 1,28%, BVH giảm 1,98%, MWG giảm 0,97%, HPG giảm 0,62%…
Trong khi đó, sắc xanh nhạt của một số cổ phiếu như STB tăng 0,94%, TPB tăng 0,24%, POW tăng 0,2%, GVR tăng 0,91%… là không đủ để đỡ VN-Index.
Trên sàn Hà Nội, tạo gánh nặng cho HNX-Index thuộc về ACB giảm 0,78%, SHB giảm 0,8%, NVB giảm 1,18%, PVS giảm 0,82%, VCG giảm 0,66%, VCS giảm 0,5%…
Ở chiều ngược lại, đóng vai trò giúp chỉ số của sàn không bị “thủng” sâu có sự hiện diện của PVI tăng 4,89%, NTP tăng 3,47%, CEO tăng 1,47%, IDC tăng 2,05%, VIF tăng 2,35%…
Một diễn biến đáng chú ý khác, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế trên các sàn đều thu hút được dòng tiền và đồng loạt tăng mạnh như JVC tăng trần 6,78%, DVN tăng 2,34%, AMV tăng 6,76%, DMC tăng 2,75%, DCL tăng 4,84%, DBT tăng trần 9,68%..
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index giảm điểm trong phiên thứ ba liên tiếp và hiện đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 850 điểm.
Thanh khoản suy giảm và tiếp tục ở mức thấp cho thấy lực cầu suy yếu và bên bán vẫn đang tiết cung chứ chưa thực sự hành động để khiến thị trường giảm mạnh. Khối ngoại gia tăng bán ròng trên hai sàn tiếp tục là động thái tiêu cực cần chú ý.
Trong bối cảnh hiện tại, SHS nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm về những vùng giá thấp hơn. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 19/8, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 830 điểm.
Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy trong đợt giảm trước đó và đã chốt lời cổ phiếu trong tuần trước nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường trong phiên tiếp theo.