Ðánh giá sáu tháng đầu năm của Bộ Tài chính cho thấy, trong tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới biến động rất nhanh và mạnh do tác động trực tiếp của dịch Covid-19, TTCK Việt Nam đã có những động thái khẳng định vị thế riêng biệt. Mặc dù liên tiếp chứng kiến các phiên giảm điểm mạnh nhưng tính thanh khoản thị trường liên tiếp được duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên giao dịch. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhiều khả năng TTCK Việt Nam chưa thể có những đột phá trong ngắn hạn, do đó vẫn cần thêm các giải pháp linh hoạt để ứng phó kịp thời.
Ðánh giá sáu tháng đầu năm của Bộ Tài chính cho thấy, trong tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới biến động rất nhanh và mạnh do tác động trực tiếp của dịch Covid-19, TTCK Việt Nam đã có những động thái khẳng định vị thế riêng biệt. Mặc dù liên tiếp chứng kiến các phiên giảm điểm mạnh nhưng tính thanh khoản thị trường liên tiếp được duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên giao dịch. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhiều khả năng TTCK Việt Nam chưa thể có những đột phá trong ngắn hạn, do đó vẫn cần thêm các giải pháp linh hoạt để ứng phó kịp thời.
Nhiều giải pháp điều hành thị trường
Thống kê thị trường cho thấy, từ quý II, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên thị trường. Ðồng thời, lực cầu trong nước chiếm vị thế chủ yếu, thể hiện sự ổn định nội lực của nền kinh tế. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết, để thích ứng với tình hình biến động đột ngột, nhiều giải pháp điều hành thị trường đã được ngành tài chính nhanh chóng thực hiện. Các giải pháp này được áp dụng theo nguyên tắc duy trì hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch trên cơ sở tôn trọng quy luật quan hệ cung cầu, hạn chế can thiệp hành chính và kỹ thuật khi thanh khoản còn ở mức bình thường. Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN xây dựng các kịch bản điều hành TTCK trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, trong đó có kịch bản duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký và thanh toán chứng khoán. Các hệ thống này hoạt động thông suốt kể cả trong trường hợp các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (TTLKCK) bị phong tỏa do tác động của dịch Covid-19. Chính quyết tâm này đã làm động lực cho thị trường giao dịch liên tục, ổn định.
Trước những nỗ lực của cơ quan quản lý, TTCK Việt Nam duy trì được nhịp hoạt động ổn định, tính thanh khoản trên thị trường ngày càng được cải thiện. Anh Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội nhận xét, nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường cho biết đã tận dụng tối đa giao dịch từ xa và có phương án chuẩn bị sẵn sàng, chủ động cho cả tình huống bị phong tỏa trên diện rộng. Do đó, về cơ bản các giải pháp đưa ra đã có tác dụng hỗ trợ và trấn an tâm lý cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhìn trên diện rộng, qua đợt biến động kéo dài lần này, có thể thấy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vẫn cần thời gian để phát huy được hết tác dụng. Do đó, cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư và duy trì sự tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo đánh giá của UBCKNN, TTCK Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc. Quan trọng nhất là Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2021, theo đó là một lượng lớn văn bản quy định hướng dẫn với bốn nghị định, 11 thông tư, đang là áp lực rất lớn đối với cơ quan quản lý TTCK. Mặc dù UBCKNN đã xây dựng bước đầu được một hệ thống công nghệ thông tin hoạt động tương đối ổn định, thông suốt, hỗ trợ cho quản lý, giám sát thị trường, nhưng cho đến nay các phần mềm chưa hoàn thiện, chưa hỗ trợ được nhiều cho việc thống kê, xử lý dữ liệu trong triển khai công tác giám sát giao dịch cũng như trong hoạt động quản lý, điều hành của UBCKNN.
Chuyển đổi, chứng khoán hóa các khoản nợ xấu
Một trong những giải pháp táo bạo do các thành viên thị trường đề xuất là nghiên cứu khuôn khổ pháp lý để phát triển các dịch vụ mới trên TTCK. Trong đó có việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ và khả năng áp dụng để chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán giao dịch trên TTCK. Theo Vụ trưởng Vụ phát triển TTCK (UBCKNN) Tạ Thanh Bình, đây là một trong những cách thức giảm chi phí huy động vốn cho nền kinh tế, khắc phục những hạn chế về nguồn vốn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại. Qua đó giúp cho hoạt động của các ngân hàng thương mại hiệu quả hơn, giảm áp lực huy động vốn trên thị trường, cơ cấu lại các khoản nợ xấu, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển. Việc thực hiện chứng khoán hóa các sản phẩm như: tài sản tài chính, tín dụng bất động sản góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó tăng cường sự tham gia của các tổ chức trung gian trên thị trường, nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, thúc đẩy thị trường phát triển ở mức độ cao hơn.
Ðánh giá khả năng chứng khoán hóa các khoản nợ xấu ở Việt Nam, chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, đây là nghiệp vụ chuyên biệt của TTCK toàn cầu. Nếu cơ chế chứng khoán hóa được ban hành một cách thích hợp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể đầu tư vào nợ xấu qua các sản phẩm chứng khoán. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng hình thức này do chưa có đầy đủ hành lang pháp lý, chính sách để thực hiện, cụ thể là Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật chưa có quy định về chứng khoán hóa, cũng như hình thức, cơ chế thực hiện phát hành, niêm yết, giao dịch cho các sản phẩm chứng khoán hóa. Ðể chứng khoán hóa các khoản nợ cần phải có các quy định cụ thể về các chủ thể được phép tham gia cũng như quyền của họ, hay việc đánh giá chất lượng các khoản nợ đòi hỏi một cơ chế hỗ trợ đồng bộ.
Bên cạnh đó, khi chứng khoán hóa nợ xấu còn phải tính đến khía cạnh rủi ro. Hiện tại, Việt Nam chưa có đầy đủ những quy định chặt chẽ về quy trình cho vay, ngân hàng có thể lơ là khâu thẩm định cho vay, dẫn đến những khoản cho vay kém chất lượng, cho vay dưới chuẩn, và nếu tín dụng tăng trưởng cao còn có thể dẫn đến rủi ro và đổ vỡ hàng loạt. Do đó, khi thực hiện phương cách này, việc quy định các khâu đánh giá, kiểm soát chất lượng khoản vay là yêu cầu rất quan trọng để bảo đảm an toàn, ổn định cho hệ thống ngân hàng. Vì vậy, cần nghiên cứu, xây dựng mô hình và khung pháp lý, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về chứng khoán hóa và thị trường giao dịch chứng khoán hóa. “Quan trọng là cần tổ chức định mức tín nhiệm hiệu quả”, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng khẳng định.