Khoảng 670 tỷ đồng vốn ngoại rót ròng vào thị trường trong tuần qua đã phần nào giảm bớt lo ngại về nguy cơ rút vốn lặp lại của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên sự kiện VHM được thỏa thuận rất lớn khiến nhà đầu tư có thể nhìn nhận con số nói trên tích cực hay tiêu cực một cách hoàn toàn chủ quan.
Sự vận động của dòng vốn ngoại thường được quan sát dưới góc độ bán ròng hay mua ròng. Trạng thái bán ròng không có nghĩa là dòng vốn ngoại bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, mà chỉ là rút ra khỏi vị thế cổ phiếu và chuyển thành tiền mặt. Lượng tiền đó có bị rút hẳn khỏi thị trường chứng khoán hay không, hay vẫn nằm trong tài khoản chờ cơ hội giải ngân mới là điều không thể truy vết được.
Dù vậy nếu việc bán ròng liên tục của dòng vốn ngoại được tích lũy lớn theo thời gian vẫn là điều không tốt cho thị trường chứng khoán. Thứ nhất, tổng nguồn lực trên thị trường – hay sức cầu nói chung – bao gồm tất cả các nguồn tiền sẵn có, trong đó có nhu cầu mua của nhà đầu tư nước ngoài. Nhu cầu mua này giảm đi sẽ khiến tổng cầu giảm. Thứ hai, để rút ra khỏi vị thế cổ phiếu thì nhà đầu tư nước ngoài phải bán thành công, tức là phải chuyển cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước. Nếu quy mô chuyển giao càng lớn thì nhà đầu tư trong nước càng bị thiếu hụt nguồn lực.
Trong hai tuần vừa qua, dấu hiệu bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài làm nổi lên lo ngại về tình trạng rút vốn tương tự giai đoạn 6 tháng đầu năm. Thực tế là suốt từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn bán ra nhiều hơn là mua vào và chỉ phần nào cân bằng được nhờ một số giao dịch thỏa thuận lớn đột xuất. VHM là cổ phiếu “gánh team” để trung hòa các số liệu thống kê: Giữa tháng 6 vừa qua VHM được tổ chức nước ngoài mua ròng thỏa thuận hơn 15.000 tỷ đồng. Tuần qua VHM lại được mua ròng thỏa thuận khoảng 1.700 tỷ đồng nữa. Ảnh hưởng của các giao dịch này rất lớn vì tính chung 8 tháng đầu năm nay, cổ phiếu tại HSX vẫn đang bị bán ròng lũy kế khoảng 2.753 tỷ đồng. Sau khi có hàng chục ngàn tỷ đồng rót vào VHM mà thị trường vẫn hụt đi hàng ngàn tỷ, tức là lượng vốn ngoại thoát ra khỏi cổ phiếu ngoài VHM ở mức khổng lồ.
Nhà đầu tư có thể suy luận rằng “tiền nào chẳng là tiền” và miễn cứ có vốn ngoại vào thị trường chứng khoán là tốt. Từ góc độ tổng thể thống kê dòng vốn nói chung thì đúng là như vậy. Đó cũng chính là lý do để nhà đầu tư có thể đánh giá trạng thái dòng vốn ngoại một cách chủ quan tốt hay xấu theo ý mình. Tuy nhiên nếu nhìn chi tiết thì 1 doanh nghiệp không đại diện cho thị trường và tình trạng đó càng khiến thị trường trở nên đáng lo hơn. Các thương vụ thỏa thuận như VHM là đồng tiền “chết”, tức là góp vốn và nằm im, không góp phần khiến thị trường thứ cấp sôi động hơn, tăng sức cầu, tăng thanh khoản. Trong khi đó các cổ phiếu còn lại vẫn đang bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra quy mô lớn.
Ví dụ với tuần qua, VHM thỏa thuận ròng hơn 1.700 tỷ đồng trong khi bán ròng hàng trăm tỷ đồng với VGC, VNM, VIC, MSN, VCB, VRE, HPG, NVL, PLX… Tính riêng giao dịch khớp lệnh, HSX tuần qua vẫn bị bán ròng trên 700 tỷ đồng. Trong hai tuần gần nhất, khối ngoại cũng bán ròng khớp lệnh cổ phiếu tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng.
Nhìn theo đơn vị tuần, trong suốt 8 tháng nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua ròng duy nhất trong tuần cuối tháng 7, còn lại bán ròng liên tiếp với cổ phiếu. Các giao dịch khớp lệnh tính chung đến nay ghi nhận con số bán ròng khoảng 18.594 tỷ đồng. Rõ ràng con số này là trái ngược đáng kể với mức bán ròng tổng hợp trong 8 tháng chỉ 2.753 tỷ đồng. Phần chênh lệch chính là lượng vốn được cân bằng từ giao dịch thỏa thuận, trong đó nổi bật là VHM, MSN. Nếu có điểm khác biệt nào đáng kể nhất giữa các phương thức giao dịch thì giao dịch khớp lệnh mới tác động đến diễn biến giá cổ phiếu hàng ngày.
Hi vọng duy nhất giữa bối cảnh bán ròng lớn như vậy là dòng vốn ngoại không thực sự rút khỏi biên giới Việt Nam mà vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Lượng vốn rút khỏi thị trường niêm yết có thể chuyển sang các hình thức góp vốn cổ phần đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, hoặc chuyển vào các quỹ đầu tư nội và “mất dấu”: Giao dịch từ các quỹ đầu tư nội – chẳng hạn các quỹ ETF nội mới mở – sẽ được ghi nhận là dòng vốn trong nước thay vì nước ngoài.